Năm 2012, khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến không đồng tình kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tại sao ông lại cho rằng cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?
Có nhiều lý do cần thiết phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu.
Thứ nhất, đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân càng ngày càng được cải thiện, vì thế tuổi thọ bình quân của người dân mỗi năm một tăng, hiện nay tuổi thọ bình quân của người dân đã trên 73,2 tuổi.
Thứ hai, chúng ta sắp qua giai đoạn dân số vàng và bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không có bước chuẩn bị sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Thứ ba, hiện tại, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận người dân có cơ hội kéo dài thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), nên khi nghỉ hưu, họ có mức thu nhập cao hơn, tránh tình trạng như hiện nay, đại bộ phận người làm công ăn lương sau khi nghỉ hưu vô cùng khó khăn về tài chính do mức lương hưu thấp hơn nhiều so với thu nhập khi còn đi làm.
Một lý do không thể không kể đến khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là để tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội?
Đây cũng là một lý do quan trọng. Bởi như tôi nói, tuổi thọ bình quân của người dân mỗi năm một tăng, thời gian hưởng lương hưu ngày càng kéo dài, cộng với việc điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình cải cách tiền lương thì Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ mất cân bằng và có khả năng bị vỡ nếu không có các chính sách khác để tăng thu, giảm chi.
Vậy tại sao không dùng từ tăng tuổi nghỉ hưu, mà lại là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, thưa ông?
Chúng ta không tăng tuổi nghỉ hưu, vì tăng là tăng với mọi đối tượng làm việc trong khu vực chính thức, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực ngoài nhà nước. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tức là có đối tượng kéo dài, có đối tượng giữ nguyên và có đối tượng được rút ngắn tuổi nghỉ hưu.
Tôi rất lấy làm tiếc là khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012, nếu Chính phủ có đủ cơ sở khoa học lẫn thực tiễn để thuyết phục thì Quốc hội đã chấp thuận việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, chứ không phải đợi đến bây giờ mới tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Theo quan điểm của ông, nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng nào?
Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người làm công việc đặc thù như giáo viên mầm non chẳng hạn, có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 1 đến 5 năm so với quy định, nhưng cho phép họ lựa chọn có nghỉ hưu trước hay không, nghỉ hưu trước bao nhiêu năm. Còn người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Thưa ông, nếu chỉ cho phép người có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, đặc biệt là người quản lý, sẽ gây ra phản ứng trong xã hội là Nhà nước kéo dài tuổi hưu cho quan chức?
Những người có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ đủ 60 tuổi mà phải nghỉ hưu, còn sức khỏe, chắc chắn sẽ không “ngồi nhà”, mà sẽ tìm chỗ khác để làm việc. Khi người ta có nhu cầu làm việc, tại sao không cho người ta tiếp tục cống hiến, bởi khi được tiếp tục làm việc thì người lao động tiếp tục đóng BHXH. Kéo dài thời gian đóng BHXH và bảo hiểm y tế còn giúp giảm gánh nặng cho Quỹ BHXH.
Vấn đề là phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để tránh tình trạng khi sắp “về vườn”, nhiều người tìm mọi cách để “giữ ghế” thêm một thời gian nữa. Nếu không có tiêu chí rõ ràng, minh bạch thì kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người làm công tác quản lý còn kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Nhưng vấn đề là mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bổ sung vào thị trường lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ gây áp lực lên tình trạng thất nghiệp?
Chúng ta sắp qua thời kỳ dân số vàng, nên áp lực về tạo việc làm sẽ giảm. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, đặc biệt là AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) đã có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2015, theo đó, lao động ở 8 ngành nghề trong khu vực được làm việc tự do trong khu vực ASEAN.
Hiện tại, rất nhiều người Việt có trình độ, kinh nghiệm, năng lực đã và đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, nguồn nhân lực trình độ cao không lo bị thiếu việc làm nếu đối tượng này được kéo dài tuổi nghỉ hưu. Còn đối với những người chưa qua đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ, không có kỹ năng, thì không cứ gì ở Việt Nam, mà ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy, họ rất dễ rơi vào tình cảnh không có việc làm, dù kéo dài hay rút ngắn tuổi nghỉ hưu, kéo dài hay rút ngắn thời gian lao động.