Báo cáo “Live Long and Prosper: Aging in East Asia and Pacific” (Sống lâu và giàu có: Hiện tượng già hóa dân số Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương) cho thấy, 36% dân số của thế giới có độ tuổi trên 65, trong đó có khoảng 211 triệu người đang sống trong khu vực Đông Á và đây là con số lớn nhất so với tất cả các khu vực khác trên thế giới.
Đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc và trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Chỉ riêng tại Trung Quốc, con số đó tương đương với con số giảm sút ròng trên 90 triệu lao động.
Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi các nghiên cứu trong nước cũng đã chỉ rõ, là một quốc gia có mức thu nhập trung bình, song Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi là 7% so với tổng dân số. Tốc độ già hóa nhanh trên quy mô lớn đã tạo ra thách thức chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như các rủi ro xã hội khác.
“Khu vực Đông Á đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới từ trước tới nay và một số nước thu nhập trung bình và trên trung bình có thể sẽ bị giảm 15% lực lượng lao động từ nay tới năm 2040”, Báo cáo mới của WB cho biết.
Theo Báo cáo, hiện tượng già hóa một phần bắt nguồn từ kết quả phát triển kinh tế nhanh trong vài thập kỉ gần đây trong khu vực. Thu nhập tăng lên, trình độ giáo dục cao hơn đã liên tục làm tăng tuổi thọ và đồng thời kéo theo nó sự giảm sút mạnh mẽ tỷ lệ sinh. Điều đó đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ bổ sung nằm dưới tỷ lệ sụt giảm một khoảng cách xa tại một số nước hiện nay.
Do vậy, đến năm 2060, cứ 5 nước có dân số già nhất trên thế giới thì có 1 nước thuộc khu vực Đông Á, trong khi đó tỷ lệ này năm 2010 chỉ là 25/1.
Cần tiến hành cải cách hệ thống hưu trí hiện tại, trong đó bao gồm biện pháp tăng dần tuổi nghỉ hưu. Những thay đổi này sẽ cho phép mở rộng tỷ lệ hưu trí còn nhỏ hiện nay và bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức.
Các nước thuộc nhóm trên như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là các nước có tỷ lệ già hóa lớn nhất với hơn 14% dân số trên 65 tuổi. Các nước trẻ hơn và nghèo hơn gồm Campuchia, Lào và Papua New Guinea, chỉ có 4% dân số trên 65 tuổi, nhưng trong vòng 20-30 năm tới, các nước này sẽ già hóa với tốc độ cao. Các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đã bắt đầu già hóa nhanh và sẽ phải đối mặt với một số thách thức khó khăn nhất.
WB đề xuất một số biện pháp cải cách cấp bách đối với các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan có thể xem xét loại bỏ các ưu đãi trong hệ thống hưu trí hiện đang khuyến khích một số nhóm, ví dụ phụ nữ tại khu vực đô thị, nghỉ hưu quá sớm.
“Cần tiến hành cải cách hệ thống hưu trí hiện tại, trong đó bao gồm biện pháp tăng dần tuổi nghỉ hưu. Những thay đổi này sẽ cho phép mở rộng tỷ lệ hưu trí còn nhỏ hiện nay và bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức”, WB khuyến nghị.
Bên cạnh đó, nhằm thỏa mãn nhu cầu về y tế và chăm sóc dài hạn một cách bền vững về tài chính, báo cáo khuyến nghị chuyển hướng hệ thống y tế từ tập trung vào bệnh viện sang chăm sóc ban đầu và khuyến khích quản lý người bệnh mắc đồng thời nhiều bệnh mãn tính một cách hiệu quả hơn. Một sự dịch chuyển cơ cấu như vậy đòi hỏi phải thay đổi về cách thức mua sắm thuốc men và trang thiết bị và cách thức chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ và cũng đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ y tế mới, có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu với chất lượng cao.
“Thách thức về cung cấp dịch vụ chăm sóc dài hạn là làm sao xây dựng được các mô hình với chi phí vừa phải có thể kết hợp các phương pháp cung cấp dịch vụ dựa trên cộng đồng và tại nhà”, theo Báo cáo.