Thống nhất khái niệm điều kiện đầu tư kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3478/BKHĐT-PC giải thích rõ về khái niệm điều kiện đầu tư kinh doanh, chấm dứt tình trạng lúng túng trong rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành.      
Thống nhất khái niệm điều kiện đầu tư kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích rõ, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trong khi đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về đặc tính kỹ thuật, mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Nói một cách dễ hiểu hơn, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trưởng nhóm thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh là những quy định ngăn cản, hạn chế doanh nghiệp, cá nhân gia nhập thị trường.

Theo Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh được thể hiện trong một hoặc một số hình thức gồm giấy phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; văn bản xác nhận; các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.

Công văn được gửi tới 14 bộ, ngành, gồm các bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông - Vận tải; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đây là các bộ, ngành đang phải thực hiện soạn thảo các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề chưa có văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, phải sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư. Trong báo cáo tình hình thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gửi cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/4 vừa qua, nhiều bộ, ngành trong số này lúng túng trong việc xác định các quy định về điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến lo ngại có thể không kịp hoàn thành rà soát, nâng cấp các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo đúng yêu cầu của Luật Đầu là trước ngày 1/7/2016.

Công văn 3478/BKHĐT-PC cũng yêu cầu với các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh với các ngành, nghề chưa quy định điều kiện mà đã được Bộ Tư pháp thẩm định hoặc đã trình Chính phủ, đề nghị hoàn tất thủ tục để trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các nghị định trong quá trình soạn thảo thì gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo địa chỉ hieu@mpi.gov.vn và tranhaohung.mpi@gmail.com.

Với các nghị định thay thế văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư,  việc rà soát, nâng cấp thành nghị định phải được trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/5/2016.

Đây cũng là thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành gửi tập hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý để cập nhật trên Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Khái niệm về điều kiện đầu tư kinh doanh:

Điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Nguồn: Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Khái niệm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

Tiêu chuẩn la quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm naagn cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Nguồn: Khoản 1 và 2 Điều 3 của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục