Đổi mới công tác quy hoạch, với việc xây dựng Luật Quy hoạch là một trong những giải pháp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Chất lượng công tác quy hoạch hiện tại, dưới góc nhìn của ông ra sao?
Những bất cập của hệ thống quy hoạch hiện nay là rất rõ ràng, mà ai cũng thấy, đó là không mang tính hệ thống, phân lập, chồng chéo, chất lượng và hiệu quả thấp.
Đơn cử, chỉ quy hoạch cấp vùng liên tỉnh cùng một cấp phê duyệt của Thủ tướng mà đã tam sao thất bản. Một số ý kiến cho rằng, công tác quy hoạch cứ giữ như hiện nay hoặc chỉ cần sửa một chút là rất thuận rồi sao còn phải thay đổi, nhưng chúng tôi có những cơ sở từ thực tiễn khách quan và luận cứ khoa học để khẳng định rõ là không thể giữ hệ thống quy hoạch bất cập như hiện nay.
Tôi xin khẳng định, với cơ chế, bộ máy và cách làm quy hoạch hiện tại thì không thể làm gì tốt được vì cách làm hiện nay là cục bộ, thuộc vào bộ nào là do bộ đó quyết định. Đất nước có hơn 20 bộ thì có tới 23 quy hoạch, 63 tỉnh, thành là 63 nền kinh tế.
PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh
Quan trọng hơn cả, nếu để chậm tiến trình đổi mới hệ thống quy hoạch thì sẽ gây hậu quả lớn cho giai đoạn tiếp theo, bởi không ai khác tự ta sẽ đưa ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi nền kinh tế bị lỡ mất cơ hội phát triển do thiếu một hệ thống quy hoạch tổng thể giúp tạo đòn bẩy và động lực cho tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững.
Theo ông, dự thảo Luật Quy hoạch chuẩn bị đưa ra trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây đã cơ bản giải quyết được những bất cập này?
Hệ thống quy hoạch hiện nay gồm ba cấp: quy hoạch xây dựng; quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Điều 12, dự thảo Luật Quy hoạch đã sắp xếp lại theo hướng cập nhật xu thế “tổ chức và quy hoạch lãnh thổ của thời đại, trong đó hệ thống quy hoạch đã được tổ chức lại theo ba loại, gồm quy hoạch lãnh thổ cho ba cấp (quốc gia, vùng và địa phương); quy hoạch ngành; quy hoạch đô thị và nông thôn. Việc sắp xếp lại này đã khắc phục các bất cập của hệ thống quy hoạch hiện tại và phù hợp với xu hướng và phương pháp quy hoạch mới mà nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp cận và áp dụng.
Cải cách hệ thống quy hoạch như trên cũng tuân thủ Nghị quyết số 13/NQ-TW, trong đó nhấn mạnh tới việc xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên cả nước; tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Song thực tế vẫn còn một số ý kiến chưa đồng thuận với cách thức đổi mới trên, chẳng hạn nêu quan điểm cần phải giữ lại quy hoạch xây dựng?
Tôi xin khẳng định rõ là trên thế giới từ xưa đến nay không có quy hoạch xây dựng. Sở dĩ quy hoạch xây dựng ra đời ở nước ta từ những năm 1990 là hệ quả của thể chế quy hoạch quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên đến nay không còn phù hợp nữa.
Để khắc phục khoảng trống đối với quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù và các đơn vị lãnh thổ đã được lập hiện nay khi không còn quy hoạch xây dựng nữa, chúng ta sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị 2009 thành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn ngay sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua.
Một băn khoăn khác là đổi mới hệ thống quy hoạch theo hướng tập trung về một cơ quan được giao chức năng quản lý tổng thể quy hoạch, có thể ảnh hưởng tới chức năng và quyền lợi hiện tại của các địa phương và cơ quan có liên quan khác, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Cơ sở nhất quán để thay đổi hệ thống quy hoạch là xuất phát từ yêu cầu khách quan cần phải có một hệ thống quy hoạch mang tính tổng thể, khắc phục được những bất cập của cách làm quy hoạch lỗi thời hiện nay và có luận điểm khoa học để luận giải, chứng minh, chứ không ràng buộc hay phụ thuộc vào bất cứ một quyền lực nào cả.
Theo cách tiếp cận tổng thể, tích hợp thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là cơ quan điều phối, tổng hợp, còn các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung quy hoạch do ngành phụ trách. Điều này diễn ra tương tự ở các địa phương. Theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển, Hội đồng quy hoạch sẽ đảm nhiệm trọng trách là quy hoạch trưởng (Chief Planner), giúp Chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ và cơ chế phối hợp liên ngành này.