“Dẹp loạn” quy hoạch - bài 4: Cấp thiết có quy hoạch tổng thể quốc gia

(ĐTCK) Đã có sự đồng thuận rất lớn từ các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội về việc cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch. Điều này càng tạo thêm cơ sở cho niềm tin rằng, tới đây, sẽ có một sự đột phá trong công tác quy hoạch, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.
Ủy ban Kinh tế nhất trí với Dự thảo Luật Quy hoạch và cho rằng, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch Ủy ban Kinh tế nhất trí với Dự thảo Luật Quy hoạch và cho rằng, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch

Bài 4: CẦN PHẢI CÓ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

Có tới 5 hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra khi báo cáo Quốc hội trong phiên họp hôm qua (9/11) về Dự thảo Luật Quy hoạch. Đó là chất lượng thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng, cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước; quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch…

Và đây chính là cơ sở để Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch là “cần thiết và cấp bách” để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch nêu trên; đồng thời, hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để “quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển”.

“Luật Quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và khẳng định, Luật Quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.

Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm sẽ loại bỏ những giấy phép trái với quy luật của kinh tế thị trường và đây sẽ là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh

- Bộ trưởng
Nguyễn Chí Dũng

Và một điều rất dễ nhận thấy, đó là ngay sau khi được trình, Dự thảo Luật Quy hoạch đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội. Đọc báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quy hoạch, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch là “rất cần thiết”.

Thậm chí, ông Vũ Hồng Thanh, thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đã bày tỏ sự đồng tình với 2 tư tưởng đột phá trong Dự thảo Luật Quy hoạch, đó là cần xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia và bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm.

“Ủy ban Kinh tế nhất trí và cho rằng, cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch, đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

“Dẹp loạn” quy hoạch - bài 4: Cấp thiết có quy hoạch tổng thể quốc gia  ảnh 1

 Luật Quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Trong khi đó, với việc bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm, dù vẫn còn một số quan điểm khác nhau, song Ủy ban Kinh tế thống nhất rằng, việc không quy định quy hoạch sản phẩm “sẽ giúp loại bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh”, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo.

Và chính sự đồng thuận này càng tạo thêm cơ sở cho niềm tin rằng, tới đây, sẽ có một sự đột phá trong công tác quy hoạch, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.

Ý kiến - Nhận định

Phải siết chặt việc điều chỉnh quy hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Hiện không chỉ có quá nhiều quy hoạch, quy hoạch chồng lên quy hoạch, mà việc điều chỉnh quy hoạch rất tùy tiện, không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phá vỡ không gian, mà còn có hiện tượng tiêu cực. Vì vậy, Luật Quy hoạch một mặt phải chấn chỉnh lại công tác quy hoạch, giảm bớt các loại quy hoạch không cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh như quy hoạch sản phẩm chẳng hạn; mặt khác phải siết chặt việc điều chỉnh quy hoạch.

Tôi cho rằng, điều kiện để điều chỉnh quy hoạch, như có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội làm thay đổi mục tiêu chính của quy hoạch; do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch… là rất hợp lý. Tuy nhiên, hình thức điều chỉnh phải quy định cụ thể hơn.

Quy hoạch phải phù hợp với khả năng tài chính của đất nước

Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Về quan điểm xây dựng Luật Quy hoạch, chúng ta làm sao để quy hoạch phải phù hợp với năng lực, khả năng tài chính của đất nước. Thời gian qua, xây dựng quá nhiều quy hoạch, có tới hơn 19.200 quy hoạch, 10 năm trước thì chỉ có hơn 3.000 quy hoạch. Chúng ta đã tăng lượng quy hoạch vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Tại Điều 7 về kinh phí cho hoạt động quy hoạch, tôi đề nghị nên nghiên cứu bỏ khoản 2 trong điều này: “Nhà nước khuyến khích cá nhân, tổ chức tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch”. Tôi cho rằng, hoạt động quy hoạch là hoạt động của quốc gia, ngân sách quốc gia đủ để chi trả vấn đề này. Nếu để cá nhân, tổ chức tác động, hỗ trợ kinh phí thì e rằng sẽ xuất hiện lợi ích nhóm. Vì vậy, không nên cho các cá nhân, tổ chức tài trợ kinh phí lập quy hoạch.

Nếu làm tốt, sẽ tạo ra các bước nhảy.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chúng ta chỉ ra 5 tồn tại trong công tác quy hoạch, nhưng theo tôi là có đến hàng trăm tồn tại. Nhưng cái chung của những tồn tại đó là chúng ta chưa chuyển được một quy hoạch trong nền kinh tế bao cấp sang quy hoạch trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế bao cấp, thì quy hoạch là trọng tâm, là công cụ chủ chốt để điều hành nền kinh tế. Nhưng trong kinh tế thị trường, thị trường sẽ điều tiết lợi ích và Nhà nước tác động bằng chính sách để lợi ích đó được điều tiết một cách hợp lý, công bằng, bình đẳng.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch trồng cây mắc-ca. Cái này phải thay đổi, vì trồng cái gì, nuôi con gì, bao nhiêu phải do thị trường quyết định và điều phối, chứ Nhà nước không làm việc đó. Tôi cho rằng, Luật Quy hoạch đã tạo ra những bước đột phá quan trọng trong tư duy làm quy hoạch. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo ra những bước nhảy cho sự phát triển của đất nước.

Luật Quy hoạch lẽ ra phải được ban hành từ rất lâu rồi.

Ông Bùi Văn Xuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Hàng ngàn bản quy hoạch được xây dựng dựa vào các luật khác nhau đã dẫn tới sự cát cứ, cục bộ, gây lãng phí nguồn lực và kém hiệu quả, nhiều quy hoạch không khả thi. Vì thế, đúng ra Luật Quy hoạch phải được ban hành từ rất lâu rồi.

Có rất nhiều lý do khiến quy hoạch hiện nay kém khả thi, gây lãng phí, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, trong đó có lý do quy hoạch không bảo đảm sự minh bạch. Vì vậy, một trong 7 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch được cụ thể hóa tại Dự thảo Luật Quy hoạch là đảm bảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong hoạt động quy hoạch là phù hợp.

Tuy nhiên, để bảo đảm quy hoạch không được lập trên giấy, mà phải đi từ thực tế cuộc sống, phục vụ cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội, cần phải bổ sung nguyên tắc là quy hoạch phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư nơi quy hoạch trong quá trình lấy ý kiến xây dựng quy hoạch.

Phải đổi mới bằng được công tác quy hoạch.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thực ra, để tình trạng quy hoạch như hôm nay, tôi... công 3 mà tội 7. Đấy là nói vui như vậy, nhưng đúng là trước đây, khi tham gia làm công tác quy hoạch vùng, tư vấn làm quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, chúng tôi đã nhận thấy những điểm yếu, hạn chế này và cũng đã đề nghị phải đổi mới công tác làm quy hoạch. Nhưng vì nhiều lý do khách quan, chúng ta chưa làm được.

Bây giờ thì cơ hội đã đến và chúng ta phải quyết tâm làm. Chính phủ, Quốc hội phải có quyết định nhìn trên quan điểm khoa học, toàn cục, vì lợi ích quốc gia, chứ còn thực tế, nhiều bộ, ngành, địa phương vì tư duy nhiệm kỳ, vì lợi ích nhóm, họ còn muốn tăng chứ không phải giảm quy hoạch ngành, sản phẩm. Việc này là rất gian nan, thực thi không đơn giản, nhưng phải đấu tranh để đổi mới bằng được công tác quy hoạch, vì sự phát triển của đất nước.

Quy hoạch cứng sẽ “trói chân, trói tay” sự phát triển.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tôi đã nhiều lần đề cập và cũng đồng tình với Dự thảo Luật Quy hoạch về việc chỉ nên làm quy hoạch theo tính định hướng, không phải là quy hoạch cứng như hiện nay. Các quy hoạch cứng, ràng buộc bởi luật này, luật kia sẽ chỉ “trói chân, trói tay” sự phát triển.

Bây giờ, trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp cũng có quyền lựa chọn của họ, Nhà nước chỉ xây dựng định hướng, rồi từ đó tạo cơ chế, chính sách để tạo sức hấp dẫn cho định hướng đó. Ví dụ, khu vực này dự định phát triển ngành nghề, sản phẩm nào, thì phải tạo cơ sở hạ tầng, tạo các điều kiện bổ sung khác để thu hút nhà đầu tư phát triển lĩnh vực mà mình đã định. Còn nếu nhà đầu tư không chọn, ta phải xem lại định hướng đó có đúng không.

Quy hoạch cứng không cẩn thận sẽ “bổ nhào” ngay. Ví như Thái Nguyên, nếu không có Samsung vào thì có thể quy hoạch cứng, nhưng giờ họ đã vào, thì phải định hướng phát triển theo họ chứ.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục