Bài 2: KHÔI HÀI CHUYỆN QUY HOẠCH CẢ CON TÔM, CÁI CÁ
Ở Làng Chè nhưng không được… làm chè
Chuyện xảy ra ở thôn Làng Chè, xã Kim Sơn 2 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Hơn 3 năm trước đây, Phạm Đăng Khoa, kỹ sư kinh tế nông nghiệp, nhận thấy quê hương có vườn đồi rộng lớn, nhiều lao động thiếu việc làm, lại nằm trong vùng quy hoạch phát triển chè công nghiệp của tỉnh, nên quyết định đăng ký làm hộ kinh doanh cá thể và vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư, mua máy móc thiết bị về làm một xưởng sản xuất, chế biến chè tại vườn nhà trên diện tích 600 m2.
Máy móc đã được lắp đặt, đúng tiêu chuẩn quy định của ngành chè Việt Nam, với công suất chế biến 1,5 tấn chè búp tươi/ngày. Hợp đồng kinh tế cũng đã được ký với 50 hộ dân trồng chè trong xã, để họ đầu tư trồng mới, cung cấp chè nguyên liệu cho xưởng sản xuất...
Thế nhưng, khi kế hoạch chỉ vừa được khởi động thì hết lãnh đạo xã đến huyện rồi tới tỉnh tới yêu cầu cơ sở sản xuất của Phạm Đăng Khoa phải đình chỉ việc xây dựng, tổ chức tháo dỡ nhà xưởng, đồng thời yêu cầu Hợp tác xã Dịch vụ điện xã Kim Sơn 2 không ký hợp đồng cung cấp điện cho xưởng.
Đồi chè Hương Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh (ảnh: Hội văn học Hà Tĩnh)
Trong Văn bản số 68/TB-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 27/2/1014 thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ sau khi đã kiểm tra việc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến chè “trái phép” tại thôn Làng Chè cũng có những nội dung tương tự. Theo đó, việc hộ gia đình ông Phạm Văn Khoa xây dựng cơ sở chế biến chè trên diện tích đất gia đình là vi phạm các quy định hiện hành về quản lý đất đai.
Quan trọng hơn, là việc xây dựng cơ sở chế biến chè không nằm trong Quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo huyện Hương Sơn khi ấy cũng chỉ cho biết vắn tắt rằng, xưởng sản xuất này phải phá dỡ vì “không nằm trong quy hoạch”. Nói đúng hơn, Làng Chè có nằm trong quy hoạch trồng và chế biến chè, nhưng từ trước tới nay, việc đó chỉ được “quy hoạch” cho một công ty chế biến chè của tỉnh Hà Tĩnh.
Quá bức xúc trước quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phạm Đăng Khoa đã làm đơn gửi đi rất nhiều cơ quan chức năng, nhưng vẫn không được giải quyết. Câu chuyện “nực cười” ở chỗ, sau quyết định đó, cơ sở sản xuất của Phạm Đăng Khoa vẫn hoạt động bình thường mà không có cơ quan chức năng nào đến “hỏi thăm”. Có điều, Hợp tác xã Dịch vụ điện xã Kim Sơn thì dứt khoát không cấp điện cho xưởng chế biến chè của Phạm Đăng Khoa.
“Tôi đã phải đầu tư tiếp 300 triệu đồng để mua máy phát điện, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 30 triệu đồng tiền mua dầu chạy máy. Nhưng vì dùng máy phát điện nên công suất chế biến chè không được như kỳ vọng. Thêm nữa, chi phí cũng đắt đỏ hơn, nếu được dùng điện thì hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cơ sở tôi tốt hơn nữa”, Phạm Đăng Khoa nói và khẩn khoản hỏi rằng, “không biết phải làm sao để cơ sở của tôi được hoạt động một cách danh chính ngôn thuận?”.
Chuyện vô lý ấy cho đến nay vẫn tồn tại. Nói tại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không phải, bởi văn bản thông báo ý kiến của ông Trần Minh Kỳ cũng đã nói rõ, nếu ông Phạm Đăng Khoa có nhu cầu, thì huyện, xã tạo điều kiện chuyển đổi, miễn là không phải để… chế biến chè. Bảo quy hoạch ấy chính xác lại càng không, bởi 3 năm qua, xưởng sản xuất vẫn hoạt động bình thường, mua - bán, kinh doanh chè có hiệu quả.
Cái gì cũng phải... quy hoạch
Nếu ở Làng Chè mà không được làm chè là chuyện “bi hài”, thì một câu chuyện đã từng được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng kể tại Hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh phía Bắc năm ngoái đúng là… khôi hài. Ấy là khi về quê, một vị lãnh đạo được người cháu nhờ giúp để anh này có thể mở được một cái quán kinh doanh dịch vụ bida ngay tại xóm. Vị này nghe xong quá đỗi ngạc nhiên bởi chỉ xin mở cái quán bida sao lại phải nhờ.
Hóa ra, người cháu này đã lên xã xin phép nhưng bị từ chối chỉ, vì theo quy hoạch thì… mỗi xóm trong xã chỉ được đặt một bàn bida.
“Các bộ, ngành, địa phương đã quá lạm dụng việc lập quy hoạch, nhiều cái chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý, thì vẫn được lập thành quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực xã hội”
- ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Chuyện này cũng giống như ở Kim Sơn, quy hoạch cũng chỉ cho một công ty được chế biến chè. Và cũng giống như chuyện của Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) khi muốn xây dựng một nhà máy chế biến bột giấy ở Quảng Ngãi để tận dụng nguồn dăm gỗ do công ty này sản xuất, nhưng lâu nay dành để xuất khẩu.
Tha thiết đeo đuổi dự án đến mấy năm trời, nhưng cuối cùng, Sojitz đành “buông tay” chỉ vì dự án 180 triệu USD mà Sojitz định triển khai ở Quảng Ngãi không nằm trong Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2020, có xét đến năm 2025, do Bộ Công thương ban hành ngày 18/11/2014.
Dù lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần đề nghị Bộ Công thương bổ sung Dự án vào quy hoạch, song Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã hơn một lần trả lời rằng, điều này là không thể được. Lý do là trên địa bàn khu vực Trung Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có 3 dự án bột giấy đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm Dự án Bột giấy Tân Mai, Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Bình Định và Dự án Nhà máy Bột giấy VNT.
“Chủ trương triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Bột giấy Dung Quất trong khi có 2 dự án tại địa phương đang triển khai cần phải được cân nhắc kỹ để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã được phê duyệt”, Văn bản trả lời của Bộ Công thương khẳng định.
Nhưng đầu năm ngoái, khi Bộ Công thương dứt khoát từ chối Sojitz, ngoài dự án giấy VNT đang nhúc nhắc, thì Dự án Bột giấy Tân Mai do khó khăn đã xin lùi thời hạn triển khai đến quý I/2017. Trong khi đó, Dự án Bột giấy Bình Định của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cũng chưa được triển khai, bây giờ vẫn vậy.
Quy hoạch mà Bộ Công thương xây dựng bỗng dưng trở thành “quy hoạch treo”, gây cản trở các kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp có năng lực.
Những câu chuyện tưởng khôi hài nhưng có thật và phản ánh những điểm quá bất hợp lý trong công tác quy hoạch hiện nay. Thậm chí, các con số thống kê về các quy hoạch ngành, sản phẩm còn khiến dư luận… hoảng hốt hơn. Đó là trong tổng số 12.765 quy hoạch đã và đang được lập đến năm 2015, có 3.538 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Tuy tỷ lệ không quá lớn, nhưng rất nhiều cái tên của các bản quy hoạch này khiến người ta… bật cười.
Chẳng hạn, Quy hoạch Nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020, Quy hoạch Phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Nghĩa là, Việt Nam đang thực hiện việc quy hoạch đến cả chuyện nuôi con tôm, cái cá…
Việt Nam đang thực hiện việc quy hoạch đến cả chuyện nuôi con tôm, cái cá…
Đáng nói là, quy hoạch dù được lập cũng chẳng ổn định, khiến doanh nghiệp nhiều khi trở tay không kịp.
Ví như, Quy hoạch phát triển ngành xi măng được thông qua từ cuối năm 2002 hiện đã qua 5 lần điều chỉnh.
“Các bộ, ngành, địa phương đã quá lạm dụng việc lập quy hoạch, nhiều cái chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý, thì vẫn được lập thành quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực xã hội”, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.
Ông Các cũng viện dẫn một loạt quy hoạch không cần thiết, như Quy hoạch Thương nhân xuất khẩu gạo, Quy hoạch Tổng thể phát triển hành nghề công chứng Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch Kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu bia, thuốc lá đến năm 2020, Quy hoạch Ngành nghề nông thôn đến năm 2020… để chứng minh cho nhận định của mình.
Phi thị trường, đối mặt nguy cơ bị kiện
Bình luận về chuyện Việt Nam đang lập quy hoạch đến cả con tôm, cái cá, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thẳng thắn: “Như vậy là phi thị trường. Hãy để thị trường quyết định điều này thay vì chúng ta đặt ra quy hoạch cứng xem sản xuất bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu tấn thép…”.
Có hàng loạt quy hoạch không cần thiết như: Quy hoạch Thương nhân xuất khẩu gạo, Quy hoạch Tổng thể phát triển hành nghề công chứng Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch Kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu bia, thuốc lá đến năm 2020, Quy hoạch Ngành nghề nông thôn đến năm 2020…
Điều này trên thực tế cũng đã được khẳng định. Bởi rất nhiều quy hoạch ngành, sản phẩm đang được thực hiện, nhưng không phù hợp với thể chế của nền kinh tế thị trường, cản trở sự gia nhập thị trường và gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội. Một số ngành, sản phẩm do thị trường quyết định, ví như chuyện nuôi tôm hùm, chế biến cá tra... nhưng vẫn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch nên không phát huy được hiệu quả, gây cản trở thu hút đầu tư.
Quan trọng hơn, điều này còn có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì việc quy hoạch sản phẩm trong đó có các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, vốn, đào tạo... dễ bị khởi kiện về chống phá giá và chống trợ cấp. Đó là chuyện hoàn toàn có thật và Việt Nam đã từng khốn khổ vì bị kiện chống bán phá giá đối với các sản phẩm cá da trơn.
Không những vô lý, phi thị trường, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, lại còn đẩy Việt Nam đối mặt với các nguy cơ bị kiện, vậy thì lập quy hoạch để làm gì?
(Đón xem tiếp bài 3: “Người hùng" dẹp loạn)