TS. Phạm Sỹ Liêm: Luật Quy hoạch được coi là đột phá về thể chế

“Luật Quy hoạch là một trong những đạo luật đột phá cần sớm được thông qua, nền kinh tế mới có hy vọng bước qua bẫy thu nhập trung bình thấp”, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm bình luận.      
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm

Thưa ông, vẫn còn có ý kiến cho rằng, đến thời điểm này chưa cần thiết ban hành Luật Quy hoạch. Quan điểm của ông thế nào?

Đó chỉ là quan điểm cá nhân của ít người. Vì người ta nghĩ rằng, vấn đề quy hoạch hiện nay rất ổn, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện quản lý nhà nước thông qua quy hoạch đã và đang làm rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, nên không việc gì phải thay đổi dẫn đến sự xáo trộn không cần thiết.

Việt Nam đã đổi mới lần thứ nhất vào năm 1986 và hơn 30 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng sau một thời gian phát triển nhanh, kể từ năm 2011 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm dần.

Với 19.200 bản quy hoạch khác nhau, ai cũng biết hiện tại đang “bội thực quy hoạch”, nhưng lại thiếu những quy hoạch rất quan trọng, đó là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia.

Rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ở các lĩnh vực khác nhau đã chỉ ra rằng, động lực phát triển đã giảm dần, dư địa phát triển (dựa vào vốn, lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên) đang cạn dần; nhiều trở ngại cho sự phát triển đã xuất hiện. Vì vậy, muốn thoát ra khỏi nền bẫy thu nhập trung bình thấp như nhiều nước đang phát triển đã mắc phải, muốn hay không Việt Nam phải đổi mới lần hai.

Câu hỏi đặt ra là, đổi mới kinh tế lần thứ hai dựa vào yếu tố gì. Chắc không thể phát triển theo chiều rộng, chắc không thể dựa tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài được, mà phải tạo ra động lực mới bằng các cơ chế, chính sách đột phá trên tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, chứ không chỉ huy thị trường, dẫn dắt thị trường, mà để thị trường tự điều tiết theo quy luật của nó.

Luật Quy hoạch đáp ứng được yêu cầu này nên cần sớm được thông qua sẽ là một trong những công cụ tạo ra động lực phát triển mới.

Theo ông, Luật Quy hoạch ra đời sẽ tác động thế nào tới sự vận hành của nền kinh tế nước ta?

Nền kinh tế Việt Nam đúng là đang cố gắng vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng tư duy, thói quen và cung cách quản lý nhà nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư duy quản lý bao cấp, kế hoạch hóa tập trung.

Cơ quan quản lý nào cũng muốn chi phối thị trường, chỉ huy thị trường, định hướng thị trường và làm thay thị trường. Bằng chứng rõ nét là các bộ, ngành lập quy hoạch trồng bao nhiêu hec-ta cây cao su, hồ tiêu, mac-ca, cà phê; nuôi trồng bao nhiêu hec-ta tôm, cá tra; sản xuất bao nhiêu triệu tấn xi măng, sắt thép…

Tức là cơ quan quản lý căn cứ vào năng lực sản xuất để lập quy hoạch, lên kế hoạch sản xuất bất cứ loại sản phẩm hàng hóa nào có thể cung ứng được cho người tiêu dùng mà quên mất rằng, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu mới là yếu tố quyết định sản phẩm nào, khối lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao.

Luật Quy hoạch ra đời sẽ chấm dứt các loại quy hoạch sản phẩm, cũng như các kiểu quy hoạch chẳng giống ai như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch làng nghề sản xuất “rượu nút lá chuối”, quy hoạch mạng lưới buôn bán thuốc lá…

Chính vì vậy, Luật Quy hoạch được coi là đột phá về thể chế, phân biệt rạch ròi mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường, cái gì của thị trường thì trả lại cho thị trường tự quyết định, Chính phủ chỉ thực hiện chức năng kiến tạo, tạo động lực để thị trường phát triển.

Tóm lại, cần phải quy hoạch những gì, thưa ông?

Từ trước đến nay, người ta cứ mặc định quản lý nhà nước là phải bằng quy hoạch, hệ quả là bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào cũng có quy hoạch. Quy hoạch được luật hóa ở 95 luật, pháp lệnh. Bây giờ phải rà soát lại xem cái gì cần quy hoạch thì quy hoạch, không cần thì bỏ đi và quy hoạch phải tích hợp lại để sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Với 19.200 bản quy hoạch khác nhau, ai cũng biết hiện tại đang “bội thực quy hoạch”, cần phải bỏ vợi đi, nhưng lại vẫn thiếu những quy hoạch rất quan trọng, đó là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia.

Bước vào thế kỷ XXI, các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm đến không gian biển. Việt Nam có hơn 3.260 km bờ biển (không tính các đảo), vì vậy, phải sớm quy hoạch không gian biển cấp quốc gia.

Mục đích là nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành trong vùng biển, hải đảo và vùng đất ven biển, trên cơ sở tích hợp quy hoạch sử dụng biển của cả nước và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật quy hoạch, hầu hết ý kiến đều đồng tình chấm dứt những quy hoạch không sát thực tế, nhưng quan điểm có tiếp tục quy hoạch xây dựng không vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi?

Có lẽ do chưa nghiên cứu kỹ Dự thảo Luật Quy hoạch nên nhiều người cho rằng khi Luật Quy hoạch ban hành sẽ bỏ quy hoạch xây dựng. Tôi xin khẳng định, quy hoạch xây dựng vẫn còn, chỉ có điều không được quy định riêng bằng một điều (hoặc một chương như trong Luật Xây dựng) mà được tích hợp vào hệ thống quy hoạch cấp quốc gia.

Cũng có ý kiến lo ngại, quy hoạch xây dựng được thực hiện từ năm 2003 theo Luật Xây dựng, bây giờ tích hợp theo Luật Quy hoạch sẽ dẫn tới sự hỗn loạn. Tôi cho rằng, lo lắng này không có căn cứ vì theo quy định chuyển tiếp, đối với quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật mà phù hợp với Luật Quy hoạch, thì tiếp tục thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục