Thưa Thứ trưởng, yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch đã nhận được sự đồng thuận cao từ Quốc hội, Chính phủ cho đến hầu hết các bộ ngành và xã hội, song vẫn còn một số ý kiến chưa thực sự đồng tình khi dự thảo Luật Quy hoạch được đưa ra lấy ý kiến. Dường như vẫn có quan điểm cho rằng cần xem xét lại?
Chính phủ và Quốc hội đã đạt được sự đồng thuận cao về yêu cầu cần thiết và cấp thiết của việc đổi mới công tác quy hoạch. Đến nay, ước tính có tới 19.200 quy hoạch riêng lẻ trên khắp cả nước, tiêu tốn hơn 8.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 2 - 3 năm qua, song hiệu quả mang lại không cao, thậm chí còn hạn chế sự phát triển, cản trở việc đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc ban hành Luật là hết sức cần thiết, gắn với việc xây dựng nhà nước kiến tạo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước và tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn có một vài ý kiến trái chiều khi dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến và điều này là bình thường.
Ông có thể lý giải cụ thể hơn về những quan điểm trái chiều này?
Với cách tiếp cận mới mẻ về quy hoạch, khi dự thảo Luật Quy hoạch được thông qua và áp dụng sẽ bao trùm và tác động tới rất nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có quy hoạch phát triển, từ đó sẽ tác động tới cách thức quản lý cũng như động chạm tới lợi ích nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay.
Những ý kiến không nhất quán, không đồng thuận bắt nguồn từ chức năng quản lý và chuyên môn sâu của từng ngành, từng địa phương, có liên quan đến lợi ích nội bộ. Do đó, việc họ muốn bảo vệ cũng là lẽ bình thường.
Tuy nhiên, sẽ là không bình thường nếu một vài tiếng nói không chuẩn mực, không đi theo lợi ích lớn của quốc gia lại nổi trội, bao trùm hơn. Đã đến lúc cần phải dẹp bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ để đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Bởi nếu dự luật này chậm thông qua thì sẽ để lỡ nhịp phát triển của đất nước trong giai đoạn mới với những yêu cầu mới.
Quan điểm chưa đồng tình hiện nay chủ yếu xuất phát từ số ít cơ quan bộ ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quy hoạch. Vậy Ban soạn thảo đi theo hướng nào để cân bằng và hóa giải mâu thuẫn này?
Quan điểm và cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không phủ nhận quá khứ, điều gì đã đóng góp cho đất nước phát triển có quy hoạch đều được ghi nhận và kế thừa.
Trong quá trình soạn thảo và xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch, có một thực tế là một số bộ thể hiện sự đồng tình về dự thảo khi làm việc với cơ quan soạn thảo và đưa ra Chính phủ, song đến khi đưa ra Thường vụ Quốc hội hoặc họp tại các tổ công tác chuyên ngành của Quốc hội thì lại công khai phản đối với nhiều lý do khác nhau.
Chúng tôi rất khách quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp thẩm tra, tổ chức 8 buổi làm việc với các bộ ngành khác nhau, còn cơ quan soạn thảo ngồi cạnh làm rõ các thắc mắc. Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực tiếp soạn thảo cũng làm việc riêng với từng bộ để đi đến thống nhất. Hiện tại, chỉ còn duy nhất Bộ Xây dựng vẫn phát biểu với quan điểm khác. Hy vọng tới đây với công luận sáng suốt, các đại biểu Quốc hội với điều kiện được cung cấp đầy đủ thông tin sẽ thông suốt.
Ông có nhắc tới chuyện động chạm lợi ích của các bộ ngành, địa phương. Đây có lẽ cũng là cốt lõi dẫn tới một vài quan điểm chưa đồng thuận, cùng với băn khoăn quyền lực sẽ thuộc về ai khi Luật Quy hoạch được thông qua và ban hành?
Việc xây dựng Luật Quy hoạch là để phục vụ và vì lợi ích cao nhất của quốc gia, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, không vì bất cứ nhóm lợi ích nào. Là cơ quan trực tiếp soạn thảo, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là một thành phần trong Ban soạn thảo gồm có đại diện của các bộ ngành, các chuyên gia nên không thể tùy ý làm việc.
Quan trọng hơn hết, việc lập, thẩm định và quản lý quy hoạch theo luật mới là việc chung, có tổ công tác hội đồng xem xét, thẩm tra và phản biện. Quy hoạch được lập công khai nên hoàn toàn không có chuyện quyền lực thuộc về một phía.
Quyền lực cao nhất là Quốc hội, sau đó là Chính phủ, chỉ có khái niệm bình đẳng trong phân bổ nguồn lực đất nước, đặt nguồn lực quốc gia lên trên hết. Điều này hoàn toàn khác so với hiện nay, đó là bản quy hoạch như tài sản “quý hiếm”, nhóm nào tiếp cận được thì sẽ có quyền và lợi ích rất lớn. Vì vậy, nếu có ai đó muốn giữ lại cơ chế này, đồng nghĩa với việc muốn bảo vệ quyền lực cục bộ hiện nay, đi ngược lại lợi ích quốc gia.