“Tôi đã nhiều lần ghi nhận giá cổ phiếu Tesla đang cao hơn kỳ vọng, song điều đó là phù hợp dựa trên vị trí của chúng ta hiện nay”, Musk nhận định tại một cuộc họp ngày 15/7 vừa qua.
Theo đó, Elon Musk nhấn mạnh rằng, giá cổ phiếu của Công ty đã phản ánh “rất nhiều sự lạc quan” và dù mình đã cố gắng làm giảm bớt kỳ vọng của các nhà đầu tư, song việc đó lại “khá khó khăn” trong bối cảnh sự phấn khởi vẫn đang tăng lên từng ngày.
Đến ngày 17/7, các nhà đầu tư lúc này đã bắt đầu chú ý tới lời nhắc nhở của Musk. Cổ phiếu Tesla đã giảm 3% vào khoảng giữa trưa. Theo tờ StarTribune, bên cạnh lời bình luận của CEO Tesla, một nguyên nhân khác của việc hạ giá này là do sự kiện một chiếc xe Tesla đã bị lật tại một đầm lầy ở Tiểu bang Minnesota vào ngày 16/7.
Người lái chiếc xe đổ lỗi cho tính năng “Autopilot” của xe, báo cáo với các nhà chức trách rằng, chiếc Tesla của anh ta đã bất ngờ tăng tốc trên đường.
Tuy vậy, theo Social Market Analytics, một công ty phân tích thường được các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư dùng để khai thác các tín hiệu thương mại từ các phương tiện truyền thông xã hội, lời nhận định của Elon Musk có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với vụ tai nạn xe của Tesla.
Có thể nói, việc định giá cổ phiếu Tesla vẫn luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trên thực tế, Tesla chỉ giao 76.230 chiếc xe trong năm 2016, vẫn ngập trong nợ nần và lợi nhuận tiếp tục không mấy khả quan. Trong khi đó, hãng sản xuất xe Ford có doanh thu gấp 22 lần, thu về hàng tỷ USD lợi nhuận và sản xuất 6,6 triệu xe vào năm 2016, nhưng lại bị định giá thấp hơn nhiều.
Tesla hiện là một trong những nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất thế giới. Xét về vốn hóa thị trường, Tesla đã lần lượt vượt qua các tên tuổi lớn trong ngành như Peugeot (4/2012), Fiat Chrysler (5/2013), Suzuki (6/2013), Renault (2/2014), Hyundai (6/2015), Nissan (2/2017), Ford (4/2017), thậm chí có lúc còn vượt cả General Motors, nhưng sau đó vẫn lùi về vị trí thứ 2 trong số các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2010, cổ phiếu Tesla đã tăng tới hơn 1.000%.
CEO AutoNation Mike Jackson nhận định, việc định giá “không thể giải thích được” của Tesla có thể là “một trong những kế hoạch Ponzi vĩ đại nhất” trong lịch sử.
“Kế hoạch Ponzi” là một hoạt động đầu tư lừa đảo hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao với ít rủi ro, được đặt theo tên của Charles Ponzi, một kế toán tại Boston, người đầu tiên đưa ra mô hình này năm 1919. Theo đó, mô hình Ponzi đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư ban đầu bằng cách mời gọi thêm các nhà đầu tư mới.
Trên thực tế, lãi suất được trả cho các nhà đầu tư không đến từ các khoản lợi nhuận thật sự của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, mà chỉ là số tiền thu được từ những nhà đầu tư tới sau sẽ được dùng để trả cho những nhà đầu tư ban đầu.
Nhiều nhà phân tích khác cũng lên tiếng cảnh báo về “cơn sốt Tesla”. Chẳng hạn, nhà quản lý quỹ đầu cơ David Einhorn cho rằng, sự lạc quan thái quá về cổ phiếu Tesla gợi nhớ đến “bong bóng dot-com” những năm 2000 và chỉ trích rằng, nhà đầu tư đang bị công ty “thôi miên”.
Nhà phân tích Alex Potter từ Piper Jaffray nhận xét, tâm lý lạc quan về Tesla vượt quá “bất kỳ cổ phiếu nào chúng tôi từng nghiên cứu”. Còn Jim Cramer của tờ The Street mô tả cổ phiếu Tesla là một “cổ phiếu giáo phái”.
Giữa những ồn ào đó, Musk vẫn không thay đổi nhận định của mình trong suốt 5 năm qua. Vị CEO này thừa nhận, Tesla đã và đangđược định giá quá cao theo các số liệu hiện nay, nhưng tin rằng, một ngày nào đó Tesla sẽ chứng minh được giá trị tương xứng, thậm chí còn hơn mức kỳ vọng.
Lý do mà Musk cho rằng Tesla sẽ đáng giá như vậy là dựa trên kế hoạch tổng thể của Công ty. Tesla dự định sẽ trở thành nhà cung cấp toàn cầu về năng lượng sạch và vận tải tự trị, thông qua pin năng lượng mặt trời và xe điện. Nói cách khác, Tesla nuôi tham vọng sẽ sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng sạch.