Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, lãnh đạo 2 nước nhất trí phải thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung kéo dài hơn 3 giờ giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng họ cần phải có những hành động thận trọng khi cuộc cạnh tranh giữa hai nước ngày càng gay gắt.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh AP. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh AP.

Hạ nhiệt căng thẳng

Theo AP, cả Tổng thống Joe Biden và ông Tập Cận Bình dường như đang cố gắng giảm căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước.

“Trách nhiệm của chúng ta, với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là phải bảo đảm rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không dẫn tới xung đột, cho dù là trong dự định hay ngoài ý muốn. Nói đơn giản hơn, hai nước sẽ cạnh tranh thẳng thắn”, ông Biden nói với ông Tập khi bắt đầu cuộc hội đàm trực tuyến ngày 15/11.

Nhà Trắng không đặt nhiều kỳ vọng vào bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào mà lãnh đạo hai nước có thể đạt được trong dịp này. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trao đổi thực chất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden là “người bạn cũ” khi 2 bên mở đầu cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến, nói rằng “Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác”.

Khi mối quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, cả hai nhà lãnh đạo cũng nhận thấy áp lực của những thách thức ngày càng tăng trong nội bộ.

Tổng thống Biden đang tìm cách cân bằng chính sách đối ngoại của ông. Trong khi ông Tập đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt năng lượng và cuộc khủng hoảng bất động sản mà các quan chức Mỹ lo ngại có thể gây ra chấn động trên thị trường toàn cầu.

“Hiện tại, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang ở những giai đoạn phát triển quan trọng và nhân loại phải đối mặt với nhiều thách thức”, ông Tập nói.

Tổng thống Biden dự cuộc họp từ Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng cùng Ngoại trưởng Antony Blinken và một số cố vấn. Về phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông dự hội nghị trực tuyến tại Phòng Đông của Đại lễ đường Nhân dân.

Hai nhà lãnh đạo đã vẫy tay chào nhau qua màn hình. “Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp mặt theo hình thức trực tuyến, dù nó không thể bằng cuộc gặp mặt trực tiếp”, ông Tập nói với ông Biden.

Tổng thống Biden muốn có cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không rời khỏi đất nước kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhà Trắng đã đưa ra ý tưởng về một cuộc gặp trực tuyến để hai nhà lãnh đạo có cuộc trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước.

Trước khi thượng đỉnh trực tuyến diễn ra, các quan chức Trung Quốc nói rằng Đài Loan là vấn đề hàng đầu của hai bên trong các cuộc đàm phán.

“Vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục với chính sách “Một Trung Quốc”, công nhận chính quyền Bắc Kinh nhưng cho phép mối quan hệ không chính thức và quan hệ quốc phòng với Đài Loan. Ông Biden cũng nói rõ rằng Mỹ "phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hủy hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan".

Hợp tác và cạnh tranh lành mạnh

Khi Bắc Kinh đang chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng trong năm 2022 là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận bình có thể đang muốn ổn định mối quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian ngắn hạn.

“Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, tìm cách chung sống hòa bình và hợp tác để cùng có lợi”, ông Tập nói.

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng, Tổng thống Biden bước vào hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với nhiều thế mạnh hơn.

Ngày 15/11, Tổng thống Biden đã ký thành luật dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. Đảng Dân chủ cho rằng đây là đạo luật nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia rất quan trọng đối với Mỹ khi nước này đang tìm cách duy trì lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc.

“Với đạo luật này, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên trong 20 năm đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ có những con đường, cây cầu, bến cảng và sân bay tốt nhất trong thập kỷ tới”, ông Biden nói.

Trong thời gian đầu của chính quyền ông Biden, Mỹ và Trung Quốc đã thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về nhiều vấn đề và có các cuộc trao đổi không hiệu quả. Tuy nhiên, đã có lúc căng thẳng giữa hai nước giảm nhiệt.

Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow. Tuyên bố này nhằm tăng cường hợp tác và tăng tốc hành động để giảm thiểu lượng khí thải gây hại cho môi trường.

Nhà Trắng cho biết họ coi hợp tác về biến đổi khí hậu là điều mà Trung Quốc quan tâm, một vấn đề mà hai quốc gia nên hợp tác bất chấp những khác biệt về các khía cạnh khác trong mối quan hệ.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục