WB cảnh báo lạm phát dai dẳng làm giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu dai dẳng có nguy cơ khiến lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, làm tiêu tan kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.
WB cảnh báo lạm phát dai dẳng làm giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất

Sự sụt giảm mạnh về giá hàng hóa trong hai năm qua đã dừng lại do căng thẳng địa chính trị thắt chặt cung và cầu đối với kim loại công nghiệp và những kim loại được sử dụng trong quá trình chuyển đổi năng lượng tiếp tục gia tăng.

Giá hàng hóa toàn cầu đã giảm 40% từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, trong đó dầu, khí đốt và lúa mì giảm mạnh. Theo WB, điều đó đã giúp giảm lạm phát toàn cầu khoảng 2 điểm phần trăm trong thời gian đó.

Nhưng theo chỉ số của WB, trong năm qua, giá cả đã ổn định và chấm dứt áp lực sụt giảm của lạm phát.

Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao của WB cho biết: “Lạm phát toàn cầu vẫn chưa bị đánh bại…Một động lực chủ yếu để giảm lạm phát – giá hàng hóa giảm – về cơ bản đã chấm dứt. Điều đó có nghĩa là lãi suất có thể vẫn cao hơn dự kiến hiện tại trong năm nay và năm tới”.

“Thế giới đang ở thời điểm dễ bị tổn thương: một cú sốc năng lượng lớn có thể làm suy yếu phần lớn tiến bộ trong việc giảm lạm phát trong hai năm qua”, ông cho biết.

WB dự báo giá hàng hóa sẽ giảm ít nhất 3% vào năm 2024 và 4% vào năm 2025. Điều đó vẫn sẽ khiến giá cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình từ năm 2015 đến khi đại dịch Covid xuất hiện vào năm 2020.

Theo báo cáo, việc giảm giá chậm lại này sẽ không có tác dụng nhiều trong việc dập tắt lạm phát đang ở mức cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương và tạo ra vấn đề cho các ngân hàng trung ương muốn cắt giảm lãi suất.

Ayhan Kose, phó kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: “Vấn đề lớn là giá hàng hóa vẫn ở mức cao trong khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại”.

Ông cho biết, sự khác biệt này đánh dấu sự khởi đầu của “một kỷ nguyên mới”, và lần cuối cùng điều này xảy ra là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo dự báo của WB, trong khi hầu hết các hàng hoá vẫn giảm giá nhưng với tốc độ chậm hơn, đồng sẽ tăng do quá trình chuyển đổi năng lượng thúc đẩy nhu cầu về kim loại, là kim loại rất cần thiết để sản xuất ô tô điện và nâng cấp lưới điện.

Báo cáo cũng dự báo căng thẳng ở Trung Đông sẽ thúc đẩy giá vàng – được xem là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ xung đột – và giá dầu tăng cao. WB dự kiến giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 84 USD/thùng trong năm nay, cao hơn một chút so với mức trung bình của năm ngoái và 79 USD/thùng vào năm 2025.

Tuy nhiên, giá hàng hóa có thể còn cao hơn nếu xung đột ở Trung Đông leo thang. “Những căng thẳng đó mang lại lợi ích nhất định, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu và cũng khiến giá biến động thường xuyên hơn”, ông Ayhan Kose cho biết.

Bên cạnh đó, nếu xung đột gia tăng trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng trong năm nay. Báo cáo cho biết mức tăng mạnh như vậy sẽ đẩy lạm phát toàn cầu nói chung lên gần 1 điểm phần trăm.

Cảnh báo lạm phát của WB càng làm tăng thêm sự bi quan về triển vọng cắt giảm lãi suất mạnh trên toàn thế giới.

Gần đây nhất là vào tháng 3, các nhà đầu tư đã dự đoán sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất ở cả Mỹ và Anh. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu dai dẳng hơn dự kiến và chi phí nhiên liệu tăng cao ở Anh, thị trường hiện dự báo sẽ chỉ còn hai lãi suất trước cuối năm 2024, trong khi trên thực tế lãi suất có thể tăng trước khi việc cắt giảm bắt đầu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục