Báo cáo thường niên lần thứ 10 về Phụ nữ, Kinh doanh và Luật của WB cho thấy trung bình phụ nữ chỉ nhận được 64% sự bảo vệ pháp lý như nam giới, không phải là 77% như ước tính trước đó và không có quốc gia nào - thậm chí không phải quốc gia giàu có nhất - mang lại cơ hội bình đẳng thực sự.
Con số thấp hơn này phản ánh những thiếu sót lớn được bộc lộ khi đưa vào hai chỉ số mới - an toàn và chăm sóc trẻ em - ngoài tiền lương, hôn nhân, vai trò làm cha mẹ, nơi làm việc, khả năng di chuyển, tài sản, tinh thần kinh doanh và lương hưu.
Báo cáo lần đầu tiên đánh giá cách 190 quốc gia thực thi luật hiện hành để bảo vệ phụ nữ, đồng thời phát hiện ra khoảng cách "gây sốc" giữa chính sách và thực tiễn.
Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Phụ nữ có khả năng thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái”, đồng thời lưu ý rằng các cải cách nhằm ngăn chặn sự phân biệt đối xử đã chậm lại rất nhiều.
Báo cáo cho biết, những trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt khi tham gia lực lượng lao động toàn cầu bao gồm các rào cản khi bắt đầu kinh doanh, chênh lệch lương dai dẳng và cấm làm việc vào ban đêm hoặc những công việc được xem là "nguy hiểm".
Báo cáo cho thấy phụ nữ chỉ nhận được 1/3 sự bảo vệ pháp lý cần thiết chống lại bạo lực gia đình, quấy rối tình dục, tảo hôn và giết hại phụ nữ ở 190 quốc gia được nghiên cứu.
Quấy rối tình dục bị cấm tại nơi làm việc ở 151 quốc gia, nhưng chỉ có 40 quốc gia có luật cấm hành vi này ở nơi công cộng. “Làm sao chúng ta có thể mong đợi phụ nữ phát đạt trong công việc khi việc họ chỉ đi làm là nguy hiểm”, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill cho biết.
Phụ nữ cũng dành trung bình nhiều hơn 2,4 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc không được trả lương so với nam giới, phần lớn là chăm sóc trẻ em, và chỉ có 78 quốc gia ban hành tiêu chuẩn chất lượng quản lý dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Theo các quy định trên giấy, phụ nữ có khoảng 2/3 quyền của nam giới, nhưng các quốc gia thiếu hệ thống cần thiết để thực hiện và thực thi đầy đủ.
Ví dụ, 98 nền kinh tế có luật trả lương ngang nhau, nhưng chỉ 35 nền kinh tế có các biện pháp minh bạch về lương hoặc cơ chế thực thi để giải quyết khoảng cách về lương, điều này cho thấy phụ nữ chỉ kiếm được 77 xu cho mỗi đô la mà nam giới kiếm được.
Báo cáo bao gồm các khuyến nghị cụ thể cho các chính phủ, bao gồm cải thiện luật pháp liên quan đến an toàn, chăm sóc trẻ em và cơ hội kinh doanh; ban hành những cải cách nhằm dỡ bỏ những hạn chế đối với công việc của phụ nữ; mở rộng các quy định về nghỉ thai sản và nghỉ sinh con; và đặt ra hạn ngạch ràng buộc đối với phụ nữ trong hội đồng quản trị của các công ty niêm yết.
Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu sớm hơn đối với phụ nữ, mặc dù phụ nữ sống lâu hơn nam giới, cũng làm hạn chế thu nhập của họ.
"Bởi vì họ nhận được mức lương thấp hơn khi làm việc, được nghỉ khi có con và nghỉ hưu sớm hơn, nên họ nhận được phúc lợi hưu trí ít hơn và bất ổn tài chính lớn hơn khi về già", báo cáo cho biết.
Tea Trumbic, tác giả chính của báo cáo cho biết, chỉ có một nửa số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động toàn cầu, so với gần 3/4 nam giới.
"Điều này không chỉ không công bằng mà còn lãng phí. Các quốc gia đơn giản là không thể loại bỏ một nửa dân số của mình”, ông cho biết.