Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, việc chào bán trái phiếu phát hành bằng đồng đô la từ Hàn Quốc đã tăng 17% lên 17,6 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2024, là một kỷ lục trong giai đoạn này. Cơn sốt trái phiếu đã đẩy Hàn Quốc dẫn đầu doanh số phát hành trái phiếu đô la ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) trong năm nay. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời gian còn lại của năm, đây sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 2010 mà Hàn Quốc chào bán được nhiều trái phiếu bằng đô la nhất trong khu vực.
Ngược lại, doanh số chào bán trái phiếu bằng đô la từ các tổ chức phát hành ở Trung Quốc – thị trường dẫn đầu lâu năm trên thị trường đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ với khoảng 15 tỷ USD từ đầu năm tới nay, do các vụ vỡ nợ ở nước ngoài làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và các kênh nội địa rẻ hơn thu hút người đi vay đến với thị trường trong nước.
Giá trị trái phiếu phát hành bằng đồng đô la được chào bán trên thị trường sơ cấp của các tổ chức phát hành ở Hàn Quốc |
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia ở thị trường châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) ghi nhận việc các tổ chức phát hành đang tăng cường giao dịch trái phiếu bằng đồng đô la khi những người đi vay trong khu vực huy động vốn rẻ hơn ở thị trường trong nước. Ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc khai thác thị trường trái phiếu đô la để tài trợ cho việc mở rộng ra nước ngoài. Các công ty đã tận dụng nhu cầu tín dụng mạnh mẽ trên toàn cầu vào năm 2024 và doanh số chào bán trái phiếu từ châu Á sụt giảm trong thời gian gần đây để chào bán trái phiếu với lợi suất thấp hơn.
Owen Gallimore, người đứng đầu bộ phận phân tích tín dụng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Deutsche Bank cho biết: “Các thị trường sơ cấp phát hành bằng đồng đô la ở Hàn Quốc đang bùng nổ…Trái phiếu phát hành bằng đồng đô la ở Hàn Quốc đã tăng giá từ lâu nhưng hiệu quả hoạt động sẽ vẫn tương đối tốt”.
Theo nhà phân tích Owen Gallimore, quy mô trái phiếu phát hành từ Hàn Quốc có thể tăng trong năm nay và lên tới 50 tỷ USD.
Trong lịch sử, các công ty Trung Quốc đã dẫn đầu doanh số chào bán trái phiếu bằng đô la trên thị trường châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tính cả năm kể từ năm 2011, nhưng lượng chào bán đã giảm kể từ nửa cuối năm 2021 sau khi các nhà phát triển bất động sản bị vỡ nợ kỷ lục. Lần cuối cùng các tổ chức phát hành Hàn Quốc chào bán trái phiếu đô la nhiều nhất ở châu Á mới nổi tính theo cả năm là năm 2010.
Tuy nhiên, khoản vay của các công ty Hàn Quốc tăng vọt diễn ra khi các nhà chức trách trong nước cố gắng ngăn chặn các khoản nợ xấu gia tăng trong lĩnh vực bất động sản tại địa phương gây ra tình trạng thắt chặt tín dụng lặp lại vào năm 2022, khi vụ vỡ nợ của một nhà phát triển công viên giải trí Legoland đã khiến chênh lệch lợi suất ngắn hạn lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kể từ đó, các nhà đầu tư đã yên tâm hơn với các biện pháp hỗ trợ trị giá hơn 66 tỷ USD của chính phủ để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và thị trường tín dụng, nhưng rủi ro vẫn tồn tại như đã thấy trong các cuộc đàm phán tái cơ cấu đang diễn ra tại công ty xây dựng tầm trung Taeyoung Engineering & Construction Co.