
Vượt ngưỡng 60% tổng doanh thu toàn thị trường
Trong cơ cấu doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay, 2 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, hiện đã vượt ngưỡng 60% tổng doanh thu toàn thị trường.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) trong 2 tháng đầu năm 2025 cho thấy, doanh thu bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) đạt 5.652 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,5% và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, bồi thường đạt 1.144 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 20,2%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 3.482 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,7% và tăng 15,8% so với cùng kỳ, bồi thường đạt 1.204 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 34,6%; doanh thu bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật đạt 3.660 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,9% và giảm 7,3% so với cùng kỳ, bồi thường đạt 791 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,6%; doanh thu bảo hiểm tàu (bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu và bảo hiểm P&I) đạt 640 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,4% và tăng 14,1% so với cùng kỳ, bồi thường đạt 123 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,3%; doanh thu bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 547 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,7% và tăng 1,1% so với cùng kỳ, bồi thường đạt 100 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 18,4%. Doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 404 tỷ đồng (tăng 9%); bảo hiểm hàng không đạt 102 tỷ đồng (giảm 15,6%); bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính đạt 166 tỷ đồng (giảm 8,6%); bảo hiểm nông nghiệp đạt 8 tỷ đồng (giảm 22,1%); bảo hiểm bảo lãnh đạt 12 tỷ đồng (tăng 43,8%).
Trong năm 2024, bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới cũng là 2 nghiệp vụ dẫn đầu về doanh thu với tỷ trọng khoảng 58% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm, vượt xa các nghiệp vụ khác như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay bảo hiểm kỹ thuật. Sức hút của 2 mảng này đến từ nhu cầu tiêu dùng lớn và xu hướng nâng cao nhận thức bảo vệ tài chính cá nhân của người dân.
Nhìn lại các năm trước nữa cũng cho thấy tỷ trọng đóng góp của bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới trong tổng doanh thu thị trường phi nhân thọ vẫn luôn giữ ở mức trên dưới 50%.
Bởi vậy, có ý kiến lo ngại sự phụ thuộc quá mức vào 2 nghiệp vụ này đang tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu doanh thu. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện có đến 60% doanh thu đến từ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, trong khi hơn 10 nghiệp vụ còn lại chỉ đóng góp phần nhỏ.
Sự mất cân đối này không chỉ khiến danh mục doanh thu kém đa dạng, mà còn đẩy doanh nghiệp đối mặt với rủi ro kép: Vừa cạnh tranh gay gắt, vừa chịu sức ép bồi thường tăng cao. Với bảo hiểm sức khỏe, chi phí y tế leo thang và tình trạng gian lận ngày càng tinh vi, còn ở mảng xe cơ giới, chi phí sửa chữa và bồi thường tăng theo giá linh kiện cùng tần suất tai nạn giao thông ngày một cao, gây ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mặt khác, khi phần lớn doanh nghiệp tập trung vào cùng một số ít nghiệp vụ, cuộc đua giành thị phần sẽ ngày càng khốc liệt, buộc các doanh nghiệp phải hạ phí, tăng hoa hồng môi giới hoặc khuyến mãi sâu để giữ chân khách hàng, từ đó càng làm xói mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng trong bối cảnh chi phí hoạt động ngày một tăng.
Nắn “dòng nước lớn”
Sự tăng trưởng đến từ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới được ví như “dòng nước lớn”, có thể đưa con thuyền doanh nghiệp đi xa, song cũng có thể gây lật thuyền. Khi thị trường bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, doanh nghiệp bảo hiểm cần mạnh dạn “chia lại chiếc bánh doanh thu” để hoạt động kinh doanh ổn định, bền vững hơn.
Lâu nay, bảo hiểm sức khỏe và bảo xe cơ giới luôn đóng vai trò là “đầu kéo” trong cơ cấu doanh thu ngành bảo hiểm phi nhân thọ vì nhu cầu thị trường cao: Người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe và tài sản cá nhân (xe cộ). Đây cũng là 2 sản phẩm dễ tiếp thị, dễ bán: Sản phẩm đơn giản, phổ biến, có thể phân phối qua nhiều kênh (đại lý, ngân hàng, gara ô tô…). Trong mối quan hệ tương hỗ, tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm của 2 nghiệp vụ này đóng góp phần lớn vào quy mô doanh thu của doanh nghiệp cũng như thị trường, trong khi các doanh nghiệp tập trung khai thác 2 nghiệp vụ này để đẩy nhanh gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, chẳng hạn tỷ lệ bồi thường cao và rủi ro khó kiểm soát. Hiện tại, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe là 2 nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất. Rủi ro từ gian lận, chi phí y tế leo thang, biến động giá linh kiện… làm gia tăng chi phí. Chưa kể, dù có được doanh thu cao, nhưng đây cũng là những sản phẩm có biên lợi nhuận mỏng, tiềm ẩn rủi ro lỗ kỹ thuật nếu không quản trị tốt. Ngoài ra, những sản phẩm này cũng dễ chịu tác động từ những biến động chính sách và thị trường, chẳng hạn thị trường ô tô gặp khó khăn sẽ khiến doanh thu bảo hiểm xe lao dốc (như giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoặc ảnh hưởng bởi chính sách siết tín dụng xe cá nhân).
Một số ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần nhanh chóng đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Những lĩnh vực như bảo hiểm tài sản, hàng hóa, kỹ thuật, trách nhiệm nghề nghiệp… vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến quản trị rủi ro.
Ở góc độ khác, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp nhìn nhận, cơ cấu doanh thu như hiện nay không thực sự đáng lo ngại. Mặc dù tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến tỉ lệ bồi thường, nhưng không thể phủ nhận được tiềm năng phát triển rất lớn của 2 nghiệp vụ bảo hiểm trọng yếu này. Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể tối ưu hiệu quả hoạt động, minh bạch quá trình bồi thường, vừa đem lại sự hiệu quả cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, khả năng nghiên cứu và mở rộng thêm các sản phẩm bảo hiểm được “đo ni đóng giày” theo nhu cầu của khách hàng cũng sẽ dễ dàng hơn so với các nghiệp vụ khác, mở ra cơ hội phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp.
Một lý do nữa là các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ khác không dễ xây dựng và triển khai. Không chỉ khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm, mà quan trọng hơn, khi hoàn thiện thì chưa chắc sản phẩm đó đã được khách hàng quan tâm sử dụng. Đó là lý do vì sao, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang tập trung mở rộng và tối ưu hiệu quả hoạt động của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, thay vì phát triển sang các sản phẩm khác.
Trên thực tế, cũng có một số doanh nghiệp bảo hiểm khá thành công khi cơ cấu lại doanh thu bảo hiểm từ các nghiệp vụ như tài sản kỹ thuật, công trình, hàng hóa… Tuy vậy, đa phần những doanh nghiệp này có “điểm tựa” từ doanh nghiệp mẹ là các ngân hàng, tập đoàn lớn. Việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm trong hệ sinh thái hoặc tận dụng được “thế mạnh” của doanh nghiệp mẹ để bán hàng sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tiết kiệm được chi phí khai thác, tăng tỷ trọng doanh thu các sản phẩm đem lại hiệu quả cao.