CPI tháng 3 đi ngược quy luật
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm tăng mạnh, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34%; giáo dục tăng 0,66%. Có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm. Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Chính sách Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, theo quy luật, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng mạnh.
CPI bình quân cả quý I tăng 1,2% so với cùng kỳ, theo bà Thủy, là do tác động của chính sách điều hành của Chính phủ với thị trường. Trong đó, ngoài việc tăng giá dịch vụ y tế và học phí từ ngày 1/3/2016 thì một nhân tố hết sức quan trọng tác động đến CPI là việc tăng lương tối thiếu.
Cụ thể, với mức tăng từ 250 - 400 nghìn đồng mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ đầu năm 2016 đã khiến giá một số dịch vụ khác tăng theo. Đối với yếu tố thị trường, tính chung cả quý, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cùng giá dịch vụ giao thông công cộng tăng khá cao trong 2 tháng đầu năm do rơi vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thống kê giá, với mức tăng 1,25%, CPI quý I năm nay cao hơn nhiều so với mức 0,74% cùng kỳ năm 2015, nhưng vẫn là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ các năm trước đây do giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, đặc biệt một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu 3 tháng đầu năm so cùng kỳ đã giảm 8,85%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 4,8%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng giảm 1,01%.
Đặc biệt, động thái điều hành lãi suất và tỷ giá khá linh hoạt và phù hợp của Ngân hàng Nhà nước với việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD và biên độ giao dịch là +/-3% đã khiến tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế.
“Cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cùng với sự ổn định của giá vàng đã giúp chỉ số lạm phát cơ bản ổn định, 3 tháng lạm phát cơ bản tăng 1,76% so cùng kỳ”, bà Ngọc phân tích.
CPI cuối năm có thể vượt mức 5%
Cho rằng CPI thực tế vẫn đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra, trong đó yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng bà Thủy cảnh báo, trong những tháng cuối năm, CPI có thể sẽ tăng mạnh do một số dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý tiếp tục được điều chỉnh tăng giá.
“Từ nay đến hết năm 2016, giá dịch vụ y tế còn một đợt điều chỉnh vào tháng 7, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh vào tháng 9, theo đó, chỉ số CPI tháng 12 năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5%”, bà Thủy nói.
Bên cạnh đó, theo nhận định của bà Thủy, giá xăng dầu trên thế giới đang có xu hướng tăng trở lại do giá dầu thô phục hồi. Giá xăng dầu trong nước mới đây đã được điều chỉnh tăng. Giá xăng dầu tăng tuy chưa ảnh hưởng trong tháng 3, song chắc chắc sẽ tác động đến CPI tháng 4.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thiết yếu như sắt thép, các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên như mì chính, bột ngọt... theo dự báo cũng sẽ có mức tăng đáng kể tới đây do áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ cũng sẽ có tác động khiến CPI các tháng tới.
Một yếu tố khác mà bà Thủy cũng cảnh báo có thể góp phần khiến CPI những tháng tới tăng cao là giá gạo tăng do nhu cầu thu gom gạo cho xuất khẩu, cộng với ảnh hưởng của hạn hán, ngập mặn tại miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Để kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tránh những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường và ổn định kinh tế, TCTK, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón...) khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số bộ, ngành cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.