Căng thẳng Ukraine gia tăng, giới đầu tư bỏ chứng khoán, chạy sang vàng

(ĐTCK) Thông tin do NATO đưa ra về việc Nga đang dồn 20.000 quân sát biên giới với Ukraine và có khả năng can thiệp vào tình hình ở đây khiến giới đầu tư rút khỏi chứng khoán để tìm đến kênh đầu tư an toàn hơn là vàng, giúp giá vàng tăng vọt.
Rủi ro địa chính trị gia tăng khiến chứng khoán mất tính hấp dẫn - Ảnh: Reuters Rủi ro địa chính trị gia tăng khiến chứng khoán mất tính hấp dẫn - Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ mở đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư tiếp tục chịu áp lực bán tháo từ cuối phiê thứ Ba. Sau đó, thông tin về thâm hụt thương mại của Mỹ được thu hẹp được công bố vào thứ Tư giúp chứng khoán Mỹ hồi phục. Tuy nhiên, thông tin về cuộc khủng hoảng Ukraine và khả năng can thiệp quân sự của Nga và cuộc khủng hoảng này, cũng như thương vụ M&A giữa Sprint và T-Mobile thất bại lại khiến phố Wall quay đầu giảm điểm.

NATO cho biết, Nga đã "gia tăng đáng kể" số lượng binh sĩ đóng gần biên giới phía Đông của Ukraine trong những ngày gần đây, nâng tổng số binh sĩ lên khoảng 20.000 người, cùng với xe tăng, bộ binh, lực lượng đặc nhiệm và chiến đấu cơ. NATO cũng cho rằng, Nga có thể sử dụng số binh sĩ này để can thiệp vào tình hinh ở Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vừa ký sắc lệnh trả đũa lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Matxcơva. Sau sắc lệnh này, Nga đã cấm nhập mọi mặt hàng nông sản của Mỹ và rau quả từ Liên minh châu Âu (EU). Nga là nước nhập khẩu lớn mặt hàng nông sản của Mỹ và rau quả từ châu Âu, vì vậy, động thái này được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất của Nga về mặt kinh tế trước các đợt trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào nước này.

Về cuối phiên, nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp ngành bán lẻ được công bố, các chỉ số chính của phố Wall đã hồi trở lại và kết thúc với sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Dow Jones tăng 13,87 điểm (+0,08%), lên 16.443,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,83 điểm (+0,04%), lên 1.921,04 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,22 điểm (+0,05%), lên 4.355,05 điểm.

Không may mắn như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên thứ Tư sau phiên tăng gượng gạo trước đó. Tình hình căng thẳng ở Ukraine và việc Nga dồn quân đến gần biên giới với Ukraine khiến giới đầu tư châu Âu lo sợ.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế của Đức vừa công bố lại yếu kém cũng tác động đến chứng khoán khu vực. Theo đó, đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 6 giảm với mức mạnh nhất kể từ tháng 9/2011, do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine.

Mới đây với việc trừng phạt kinh tế qua lại giữa Nga và phương Tây cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Nga và có quan hệ xuất nhập khẩu với thị trường Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản chịu nạn và qua đó cũng tác động lên thị trường chứng khoán.

GDP của Italy giảm 0,2% trong quý II và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có cho thấy, kinh tế Italia đã giảm trở lại và rơi vào suy thoái, báo hiệu sự tiêu cực của nền kinh tế Liên minh châu Âu.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,32 điểm (-0,69%), xuống 6.636,16 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,70 điểm (-0,65%), xuống 9.130,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 25,74 điểm (-0,61%), xuống 4.207,14 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine và phiên giao dịch tiêu cực trước đó của thị trường Mỹ. Ngoài ra, dữ liệu PMI không tích cực của Trung Quốc được công bố hôm thứ Ba cũng tiếp tục ảnh hưởng không tốt lên thị trường chứng khoán khu vực.

Kết thúc phiên 6/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 160,52 điểm (-1,05%), xuống 15.159,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 64,13 điểm (-0,26%), xuống 24.584,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 2,48 điểm (-0,11%), xuống 2.217,46 điểm.

Trong khi giới đầu tư chứng khoán lo sợ với “tiếng sung Ukraine”, thì vàng lại được hưởng lợi. Ngay khi thông tin về việc Nga dồn 20.000 quân cùng các chiến xa và chiến đấu cơ sát biên giới với Ukraine được quan chức NATO công bố, giá vàng đã vụt tăng khi bước vào phiên giao dịch Mỹ và duy trì ở mức trên 1.305 USD/ounce trong suốt thời gian còn lại của phiên Mỹ.          

Kết thúc phiên 6/8, giá vàng giao ngay tăng 17,3 USD (+1,34%), lên 1.305,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 23,7 USD (+1,85%), lên 1.307,7 USD/ounce.

Trong khi vàng tăng vọt do căng thẳng địa chính trị, thì giá dầu tiếp tục giảm do lượng sụt giảm kho dự trữ của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự đoán.

Kết thúc phiên 6/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,46 USD (-0,47%), xuống 96,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,02%), xuống 104,59 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục