
Chủ nghĩa bảo hộ đang “lên ngôi”
Trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 1/2025, Bộ Công thương lo ngại, bối cảnh thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Dẫu hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, Mỹ tăng thuế nhập khẩu với nhiều loại hàng hóa sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Có thể thấy, kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra các chính sách thương mại mới, liên quan đến tăng thuế hàng nhập khẩu, nhắm vào các đối tác thương mại lớn như Canada, Mexico, Trung Quốc…
Các kế hoạch đánh thuế mà Mỹ đang tiến hành dự báo sẽ càng làm gia tăng bất ổn về thương mại toàn cầu. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, lại phụ thuộc vào xuất khẩu, việc chủ động trước những biến động thị trường sẽ giúp trụ vững trước khó khăn.
Là quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Mỹ, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang nghe ngóng thông tin, chuẩn bị tốt nhất trước những bất lợi có thể đổ ập tới bất kỳ lúc nào.
“Ngoài giải pháp tăng mua hàng hóa từ Mỹ, thì Việt Nam phải đặt vấn đề về câu chuyện mở cửa, thúc đẩy tăng dòng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao”, TS. Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề cập.
Cùng với đó, theo ông Thắng là đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng thương mại thông qua tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có. Hệ thống các FTA là nền tảng giúp chuyển hướng thương mại diễn ra nhanh chóng, thì tới đây, có thể đàm phán trong từng FTA để tăng trao đổi thương mại.
Việt Nam hiện có 17 FTA đã ký kết, phủ rộng hơn 60 nền kinh tế. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang sang các thị trường có FTA đạt 230,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022. Còn năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA đã vượt xa mốc 230,5 tỷ USD.
Phân tích thêm cách ứng xử của Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã đi đúng hướng trong xử lý thương mại với Mỹ, đặc biệt là câu chuyện thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều này sẽ tạo ra tính liên kết sâu hơn và là “hàng rào” bảo vệ trước những biến động lớn liên quan đến biến đổi thuế quan hiện nay.
Thêm nữa, quan hệ kinh tế thương mại Việt - Mỹ có sự khởi đầu tốt đẹp, ngay từ đầu năm 2025, hai nước đã đạt được thỏa thuận song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc về thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa.
Cần phải nói thêm, đây là lần thứ hai, Việt Nam và Mỹ đạt được Thỏa thuận song phương nhằm giải quyết vụ việc tranh chấp, bên cạnh vụ việc về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm (DS429).
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích, bên cạnh việc áp thuế quan, Mỹ có thể tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, vì vậy, chuẩn bị kịch bản ứng phó và có thái độ ứng xử thích hợp là cần thiết trước các diễn biến trong xung đột thương mại giữa các nước.
Những năm gần đây, xuất hiện dày đặc biện pháp liên quan đến thuế phòng vệ thương mại. Tính đến cuối năm 2024, đã có 273 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam tại 25 thị trường. Việt Nam đã làm quen với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với cá tra, cá basa nhập khẩu vào Mỹ, giày thể thao nhập khẩu vào EU. Càng về sau, số lượng các vụ kiện càng tăng…
Trong nguy vẫn có cơ
Cuộc chiến thương mại được khởi động ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy chủ nghĩa đơn phương vẫn là một xu hướng có tác động lớn đến thương mại quốc tế thời gian tới. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và nhiều biến động, doanh nghiệp nào có tầm nhìn xa, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là người giữ thế chủ động và vững vàng trước thăng trầm của thị trường.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)
Nhìn theo chiều hướng tích cực, Bộ Công thương cho rằng, dù tình hình địa chính trị thế giới năm 2025 có thể phức tạp hơn, nhưng điều này không chỉ mang đến thách thức, mà có thể cả cơ hội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, nếu có chiến lược phù hợp, Việt Nam không chỉ tận dụng được làn sóng FDI mới, mà còn có thể vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, giảm phụ thuộc vào các ngành sản xuất giá trị thấp và từng bước tiến tới một nền kinh tế công nghệ cao, xanh và bền vững hơn.
Hiện nhiều tập đoàn có xu hướng chuyển nhà máy sang Việt Nam để né thuế Mỹ áp vào hàng hóa của Trung Quốc. Qua đó, có thể tạo ra một làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng mới, tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút nhiều FDI hơn.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2025 được dự báo có xu hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ, nhờ lực lượng lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, thị trường nội địa đang phát triển nhanh, chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, ưu đãi thuế…
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển, thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động như trước.
Chính phủ đã và đang có những bước đi nhằm tận dụng cơ hội này, khi tập trung cải thiện hạ tầng, đẩy nhanh quá trình số hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và ban hành những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn.