Cần tư duy phát triển mới về nhà ở xã hội

(ĐTCK) Năm nay, tại Hà Nội, một trong những dự án bất động sản “ra quân” sớm nhất sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán không phải là một dự án hạng sang nào đó mà đáng ngạc nhiên, lại là một dự án nhà ở xã hội.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thông tin về việc dự án Nhà ở xã hội Ecohome 3 của chủ đầu tư Capital House chính thức nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 21/3 - 21/4 được công bố ngay sau Tết Kỷ Hợi. Đó không chỉ là tin vui với nhiều người thu nhập thấp chưa có nhà ở Hà Nội, mà còn mở ra một cách nhìn nhận mới về việc phát triển phân khúc này.

Theo đó, không chỉ được đầu tư đầy đủ về hạ tầng tiện ích, đây còn là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Hà Nội đạt được tiêu chuẩn chứng chỉ xanh EDGE do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới cấp, một chứng chỉ tưởng chừng chỉ có ở những chung cư thương mại.

Không chỉ giảm thiểu chi phí sinh hoạt điện, nước và năng lượng hàng tháng với mức tiết kiệm đáng kể, mà dự án cũng là minh chứng cho việc phát triển dự án nhà ở xã hội chất lượng cao không hẳn là chuyện không làm được.

Gắn với Chiến lược nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, phát triển nhà ở xã hội được xem là nhiệm vụ cấp bách trong cả an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thế nhưng, dù rất nỗ lực, chiến lược phát triển này chỉ mang lại hiệu quả trong một vài năm đầu tiên, sau đó, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chấm dứt, mô hình nhà ở xã hội theo đó cũng dừng lại, hầu như không có thêm bất cứ dự án nào được triển khai hiệu quả cho đến nay.

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là phải hoàn thành mục tiêu 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội theo nhu cầu thị trường, thế nhưng, báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ xây dựng cho thấy, đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt khoảng hơn 4 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 33%.

Đó là chưa kể, trong hơn 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nếu tính chính xác hơn dựa vào số m2 sàn nhà ở xã hội đã hoàn thiện và đã có người sử dụng thì con số thực tế thấp hơn rất nhiều.

Áp dụng theo công thức "Phát triển Nhà ở xã hội = Hành lang pháp lý + Dự án đầu tư xây dựng" từ một số quốc gia nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thường gặp rất nhiều lực cản cơ chế và vốn khiến phân khúc nhà ở xã hội rơi vào bế tắc.

Đánh giá cao mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc Nhà nước vẫn đặt tư duy "người thực thi" thay vì "người điều phối" và "hướng tới nhà ở" thay vì "hướng tới người dân" dẫn đến việc chính sách bị bó cứng, chưa tạo ra lối đi thông thoáng cho doanh nghiệp.

Thực tế, với việc nhà ở bình dân chiếm khoảng 60 - 70% nhu cầu ở thực hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng hiểu đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội là một phân khúc tiềm năng, không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà còn có thể mang lại giá trị thương hiệu bền vững.

Có thể thấy rõ với trường hợp của Capital House, sau khi thành công với dự án nhà ở xã hội tiêu chuẩn xanh Ecohome 1, Ecohome 2 đã được thị trường đánh giá rất cao.

Vì thế không ngẫu nhiên, dự án Ecohome 3 dù chưa mở bán chính thức, nhưng theo chia sẻ của đại diện chủ đầu tư, đã có tới cả ngàn người quan tâm chỉ một thời gian ngắn công bố.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, để theo đuổi phân khúc nhà ở xã hội theo các khung chính sách hiện tại thực tế không hề dễ dàng. Bản thân doanh nghiệp này cũng đã phải đánh đổi rất nhiều, ngoài phần lợi ích gia tăng bị giới hạn theo quy định, thì nỗi lo hiện hữu là "một cánh én không làm nên mùa xuân" khi rất ít doanh nghiệp dám mạo hiểm với một phân khúc khó nhằn như Capital House, khi đường đi chưa thông thoáng.

Điều này cho thấy, đã đến lúc phải nhìn nhận và định hình lại loại hình nhà ở xã hội trong giai đoạn mới. Trong đó, nếu muốn thúc đẩy loại hình này phát triển như kỳ vọng, các cơ quan quản lý cần xác định lại rõ ràng mục tiêu cốt lõi "hướng tới ai" hay "hướng tới cái gì" sao cho phù hợp thực tiễn triển khai.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

 

Linh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục