Cần tính lại phí bảo hiểm nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo giới chuyên môn, cần xem lại cách tính phí bảo hiểm nhân thọ cho người dân Việt Nam, sớm áp dụng bảng phí mới so với mức phí đang còn cao hiện tại để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Mới có khoảng 11% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ Mới có khoảng 11% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ

Phí bảo hiểm nhân thọ đang còn cao

Theo một chuyên gia đào tạo ngành bảo hiểm của một trường đại học lớn, tại Việt Nam, bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm dùng để tính phí bảo hiểm áp dụng chung cho toàn thị trường hiện quá lạc hậu, trong khi tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

“Hệ lụy là người tham gia bảo hiểm phải chịu mức phí đóng cho tỷ lệ tử vong (phần bảo hiểm) quá cao khi mua bảo hiểm, bất kể là mua của công ty nào”, vị này nói và cho biết thêm, bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm được lập trên cơ sở số liệu thống kê của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Bảng này cho biết tình hình tử vong thực tế của những người được bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm nhân thọ, được sử dụng để tính phí bảo hiểm và dự phòng trong bảo hiểm nhân thọ.

Có 2 loại bảng tỷ lệ tử vong là bảng tỷ lệ tử vong dân số và bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm. Trong đó, bảng tỷ lệ tử vong dân số được lập trên cơ sở số liệu thống kê thu thập được từ các cuộc điều tra dân số. Bảng này cho biết mức tử vong của dân số của một nước hoặc một vùng cụ thể nào đó.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi - mức tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (tương đương 8,16 triệu người).

Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2012, tuổi thọ trung bình của dân Việt Nam là 71 tuổi và tăng lên 72 tuổi vào năm 2015.

Hơn 20 năm làm việc trong ngành bảo hiểm nhân thọ, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai cho biết, khi các công ty nước ngoài bước chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam cách đây hơn 20 năm, họ đã áp dụng bảng tỷ lệ tử vong của Mỹ năm 1980 để tính phí bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Năm 2012, bảng tỷ lệ tử vong của Việt Nam được WHO và WB làm không khác nhiều so với bảng tỷ lệ tử vong năm 1980 của Mỹ, nên các công ty bảo hiểm nhân thọ không cần cập nhật công thức tính phí.

Tuy nhiên, theo bà Mai, hiện tại, bảng định phí của các nước khác đang áp dụng mức phí dưới chuẩn (rẻ hơn chuẩn) để tính cho người được bảo hiểm có sức khỏe trên chuẩn (không hút thuốc lá), trong khi toàn bộ khách hàng là người tham gia bảo hiểm Việt Nam đang nhận phí chuẩn, đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm là phụ nữ, trẻ em, đàn ông không hút thuốc, uống rượu… đang chịu thiệt thòi bởi vẫn phải trả phí cho rủi ro không thuộc về mình.

“Tôi ngạc nhiên khi nhìn một bảng minh họa sản phẩm đầu tư liên kết chung của một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Mỹ bán cho một Việt kiều với mức phí dưới chuẩn (preferred premium). Từ đây, tôi hiểu tại sao Việt kiều Mỹ chê mua bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ”, bà Mai nói.

Cần tính lại phí bảo hiểm nhân thọ

Hiện tại, người tham gia bảo hiểm là phụ nữ, trẻ em, đàn ông không hút thuốc, uống rượu… đang chịu thiệt thòi bởi vẫn phải trả phí cho rủi ro không thuộc về mình.

Vị chuyên gia đào tạo trên cho hay, nếu tính theo bảng tỷ lệ tử vong hiện tại thì các công ty bảo hiểm nhân thọ đang có lợi, nhưng các công ty này có thời gian hoạt động tại Việt Nam còn ngắn nên chưa thể xây dựng được bảng tỷ lệ tử vong của mình (do quy định về mặt kỹ thuật), trong khi thị trường các nước có thể xây dựng được. Chính vì vậy, cần có bảng tỷ lệ tử vong dân số cập nhật và bảng tỷ lệ tử vong cho thị trường bảo hiểm.

Cùng góc nhìn, bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai cho rằng, cần điều chỉnh phí bảo hiểm về đúng giá trị đối với các khách hàng có sức khỏe tốt (trên chuẩn hiện tại), bên cạnh kiểm soát tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm tỷ lệ chi trả thực trên chi trả ước tính.

Giám đốc định phí của một công ty bảo hiểm cũng thừa nhận, bảng tỷ lệ tử vong dùng để tính phí bảo hiểm áp dụng chung cho toàn thị trường hiện đã lỗi thời nên cần được cập nhật để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Theo giới chuyên môn, cần xem lại cách tính phí bảo hiểm cho người dân Việt và sớm áp dụng trên thực tiễn, bởi ngoài chịu phí cho những rủi ro không hề có, các khách hàng Việt Nam còn phải chịu phí cho những rủi ro cộng thêm trên “phí chuẩn oan” khi họ bị tăng phí vô tội vạ phụ thuộc vào trình độ của các thẩm định viên (underwriters) khác nhau trong những công ty bảo hiểm khác nhau. Thư tăng phí diễn tả sự tăng phí cũng không đồng nhất giữa các công ty bảo hiểm, trong khi khách hàng không hiểu, ngay cả đại lý của các công ty bảo hiểm cũng không hiểu lý do vì sao phí tăng. Khi khách hàng không hiểu thì họ dễ chán bảo hiểm, không mua bảo hiểm, nhất là trong bối cảnh còn có nhiều điều tiếng xung quanh hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện nay.

“Ngành bảo hiểm nhân thọ rất cần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam vì doanh thu phí bảo hiểm phục vụ cho đầu tư trong nước, không được mang ra khỏi biên giới. Các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở đều có sự đóng góp vốn đầu tư do các công ty bảo hiểm huy động vốn của hơn 10 triệu người dân Việt có hợp đồng bảo hiểm. Con số 90 triệu người dân Việt còn lại là một thị trường rất lớn để khai thác, huy động vốn đầu tư xây dựng đất nước”, bà Mai nhấn mạnh.

Được biết, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề xuất xây dựng bảng tỷ lệ tử vong mới cho thị trường. Giới chuyên gia cho rằng, Hiệp hội và Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần sớm hoàn thiện tài liệu này để áp dụng mức phí bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động điều chỉnh tăng quyền lợi để vừa giữ chân khách hàng cũ, vừa thu hút khách hàng mới cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu quốc tế, đại diện Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho biết, việc tính phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm được chia ra theo quyền lợi, mỗi loại quyền lợi có phương thức tính riêng và các dữ liệu đầu vào khác nhau. Như vậy, sản phẩm mà càng nhiều quyền lợi thì càng có nhiều loại phí.

Chẳng hạn, quyền lợi tử vong cơ bản chỉ chi trả cho các trường hợp tử vong (ngoại trừ tự tử trong 24 tháng và tử vong do bệnh hiểm nghèo trong 90 ngày). Để tính phí cho sản phẩm này, các công ty sẽ dựa trên xác suất tử vong theo độ tuổi của bảng tỷ lệ tử vong với nguyên tắc là lấy tiền người còn sống bù người đã chết.

Ví dụ, trong bảng CSO 1980, ở năm 30 tuổi, số người dân sống đầu kỳ là 9.579.998 người, trong năm 30 tuổi có 16.573 người tử vong. Giả sử, quy định mỗi người tử vong thì gia đình họ được nhận một số tiền là 1 tỷ đồng, vậy ở đây cần lập một quỹ chi trả là 16.573 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được thu từ đầu năm và số người đóng góp là 9.579.998 người. Từ đây, sẽ tính được mức phí bảo hiểm mỗi người cần đóng là 1,66 triệu đồng.

Tùy theo công ty bảo hiểm có xét đến kỳ tử vong là khi nào thì sẽ chiết khấu thêm lãi suất kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu thời gian tới điều chỉnh mức phí bảo hiểm mới thì số phí phải đóng không phải là con số trên.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục