Không dễ điều chỉnh phí bảo hiểm xe

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khác với trước đây, quy định mới cho phép tăng - giảm 15% phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, nhưng không dễ áp dụng trong thực tiễn.
Không dễ điều chỉnh phí bảo hiểm xe

Được phép điều chỉnh…

Điều 75 - Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 22/9/2023 nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm không được khuyến mại, chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (tạm gọi là bảo hiểm bắt buộc).

Tuy nhiên, có một điểm mới là cho phép điều chỉnh phí bảo hiểm bắt buộc, chứ không còn “cào bằng” như trước. Cụ thể, theo Điều 8 - Nghị định 67/2023, căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng - giảm phí bảo hiểm; mức tăng - giảm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo nghị định này.

Thực tế, cách đây vài năm trước, Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh và đưa ra đề xuất về việc tính phí bảo hiểm xe dựa trên các yếu tố như lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe trước đó, lịch sử gây tai nạn của chủ xe, số ki-lô-mét đã đi, tuổi/giới tính của người lái xe, loại bằng lái, kinh nghiệm lái xe...

Theo giới chuyên gia, việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh phí bảo hiểm bắt buộc là một chuyển biến tích cực về mặt chính sách, giúp nâng cao ý thức giữ gìn xe của chủ tài sản, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Như vậy, sau nhiều mong đợi, bây giờ khách hàng sẽ được hưởng mức phí công bằng hơn dựa trên mức độ rủi ro, tức là khách hàng ít yêu cầu bồi thường hơn, lái xe an toàn hơn… thì sẽ được giảm phí nhiều hơn. Việc sử dụng nhiều thông tin khác nhau để tính phí bảo hiểm là phù hợp nhằm mang đến một mức phí cạnh tranh hơn cho từng khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, quy định mới nhận được sự hưởng ứng của nhiều đại lý và khách hàng bởi cách tính phí hợp lý hơn, trong khi chất lượng dịch vụ vẫn được duy trì, thậm chí tốt hơn trước nhờ áp dụng công nghệ trong quy trình bồi thường. Điều này cũng thể hiện sự công bằng, khách hàng nào lái xe an toàn sẽ được hưởng mức phí thấp hơn và ngược lại, nếu lái xe thiếu an toàn, gây nhiều tai nạn dẫn đến đòi bồi thường nhiều sẽ phải trả phí bảo hiểm cao hơn.

Theo Phụ lục 1, phí bảo hiểm đối với xe máy dung tích dưới 50 cc và xe máy điện là 55.000 đồng/xe/năm, từ 50 cc trở lên là 60.000 đồng/xe/năm. Với ô tô không kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc dao động từ 437.000 đồng/xe/năm đến hơn 1,8 triệu đồng/xe/năm tùy số chỗ. Với ô tô kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc dao động từ 756.000 đồng/xe/năm đến hơn 4,8 triệu đồng/xe/năm đối với xe 25 chỗ trở xuống, nhiều hơn 25 chỗ có mức phí cao hơn. Xe tải chở hàng có phí bảo hiểm bắt buộc từ 853.000 đồng/xe/năm đến 3,2 triệu đồng/xe/năm.

Như vậy, mức tăng - giảm phí bảo hiểm bắt buộc với ô tô không kinh doanh vận tải thấp nhất là hơn 65.000 đồng/xe/năm và cao nhất là 270.000 đồng/xe/năm. Với ô tô vận tải, mức tăng - giảm phí thấp nhất là hơn 113.000 đồng/xe/năm và cao nhất là 720.000 đồng/xe/năm.

… nhưng không dễ triển khai

Mức tăng - giảm phí bảo hiểm bắt buộc với ô tô không kinh doanh vận tải thấp nhất là hơn 65.000 đồng/xe/năm và cao nhất là 270.000 đồng/xe/năm, với ô tô vận tải là hơn 113.000 đồng/xe/năm và cao nhất là 720.000 đồng/xe/năm.

Khoản 5, Điều 11- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định chi tiết về xây dựng, thu thập, sử dụng, lưu giữ, quản lý và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Để doanh nghiệp bảo hiểm có thời gian chuẩn bị, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) từng đề xuất việc cung cấp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện từ ngày 1/1/2024 và đã được thông qua. Nhiều thời điểm, việc cập nhật vào kho dữ liệu chung chỉ được thực hiện ở công đoạn số hóa các báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm…, nên cần thêm thời gian để nâng cấp hệ thống nhằm thu thập dữ liệu rộng hơn, kịp thời phục vụ hoạt động quản lý, giám sát bảo hiểm. Mặt khác, việc điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin cần nhiều nguồn lực, đồng thời phải phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ phần mềm, lên kế hoạch chỉnh sửa chi tiết và đánh giá tác động trước khi triển khai.

Lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm có trụ sở tại Hà Nội nhìn nhận, quy định mới tạo cơ hội để các công ty bảo hiểm linh hoạt hơn trong việc áp phí bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, thay vì không được giảm giá dưới mọi hình thức như trước đây, nhưng do hiện tại chưa có cơ sở dữ liệu chung nên các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ biết lịch sử bồi thường, lịch sử tai nạn của khách hàng tại doanh nghiệp mình, mà không biết tại các doanh nghiệp khác hay trên thị trường ra sao. Do đó, để có cơ sở quy định cụ thể điều kiện giảm phí và mức phí được giảm, việc nhanh chóng xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm là hết sức cần thiết.

Theo quy định, cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ hiển thị nhóm thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm (bao gồm các thông tin định danh về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, về đặc điểm kinh tế kỹ thuật của đối tượng bảo hiểm; lịch sử tham gia bảo hiểm; lịch sử bồi thường và chi trả bảo hiểm). Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, việc tăng giảm phí không thay thế nghĩa vụ phải tuân thủ quy định không được giảm giá dưới mọi hình thức.

“Dù được phép, nhưng việc giảm phí bảo hiểm bắt buộc phải có lý do, nếu không sẽ vẫn bị cơ quan quản lý ‘tuýt còi’”, ông Phạm Văn Dũng - chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới nói và chia sẻ thêm, dẫu vậy, việc chỉ quy định chung chung dựa trên lịch sử bồi thường, lịch sử gây tai nạn… mà không quy định rõ trường hợp nào thì được giảm và mức giảm bao nhiêu sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi áp dụng.

Hiện tại, dù còn những ý kiến trái chiều, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, biên độ điều chỉnh 15% theo quy định mới là phù hợp. Do đó, khi có dữ liệu chung, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể không giảm phí đối với khách hàng mới, khách hàng có lịch sử tổn thất thấp tương đương năm trước thì năm sau được giảm 15% và ngược lại, nếu có tổn thất thì sẽ tăng phí nhằm tạo sự công bằng khi tham gia loại hình bảo hiểm này.

“Cần quy định cụ thể trường hợp nào thì được giảm tối đa 15%, nếu chỉ quy định chung chung sẽ dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đồng loạt giảm phí kịch khung bất chấp khách hàng thuộc nhóm rủi ro cao, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường”, vị lãnh đạo công ty bảo hiểm trên nhấn mạnh.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục