Trường hợp chưa thể xây dựng được Luật thì trong dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, cần có 1 chương riêng quy định về loại hình doanh nghiệp lớn.
Theo ông Mại, Chính phủ mong muốn phát triển một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, nhưng thực tế trong số trên 710.000 doanh nghiệp hiện nay, số quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 99%. Khi doanh nghiệp nhỏ và quá nhỏ thì câu chuyện xây thương hiệu mạnh, vươn tầm quốc tế chỉ là những mục tiêu xa vời.
“Doanh nghiệp phải lớn đã, phải có thực lực đã, thì mới mong đến ngày Việt Nam có những thương hiệu tầm cỡ quốc tế”, ông Mại nói.
Ðể doanh nghiệp lớn, nếu chờ đợi theo sự phát triển tự nhiên của mỗi doanh nghiệp thì rất thụ động và không biết đến bao giờ.
Hiện nay, nhắc đến khối doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn của Việt Nam chỉ có một số cái tên như Vingroup, Hòa Phát, Vietjet, TH True Milk, Tân Hiệp Phát…, nên GS.TS Nguyễn Mại cho rằng, Nhà nước cần chủ động “cầm trịch”, tạo hành lang và chính sách cụ thể để vừa điều tiết, vừa thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn.
Xây dựng một luật riêng cho khối doanh nghiệp này hoặc đưa vào một chương riêng trong dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi là điều ông Mại cho là nên làm, để tạo nền cho tương lai Việt Nam có một cộng đồng doanh nghiệp mạnh.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ, các doanh nghiệp đang lớn hoặc quy mô lớn rất cần được định hướng và hỗ trợ để xây dựng được thương hiệu Việt xứng tầm, hòa mình vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, là người đi nhiều quốc gia, ông nhận ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn bước chân ra nước ngoài thật khó.
Theo ông Dũng, trên trường quốc tế, tên tuổi mỗi quốc gia vận hành như một thương hiệu, chẳng hạn văn hóa Nhật, cách làm Nhật là một thương hiệu, nhưng với Việt Nam thì người ta vẫn ấn tượng chính là về một đất nước của chiến tranh.
“Nói đến Việt Nam, người ta mới nhớ đến phở và áo dài, chứ chưa có thương hiệu Việt Nam gắn với nền sản xuất quốc tế”, ông Dũng nói. Ðây là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam muốn xây thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Ðể giúp doanh nghiệp làm được việc này, ông Dũng cho rằng, không thể thiếu bàn tay của Nhà nước. Ðất nước phải xây thương hiệu quốc gia để doanh nghiệp nương vào đó mà bước đi.
Thời gian qua, việc quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế còn rất hạn chế, chủ yếu thông qua một số quảng bá về du lịch, trong khi ông Dũng cho rằng, đây là mảng việc Nhà nước cần phải đầu tư và phải có chiến lược cụ thể để tạo nền cho doanh nghiệp bước ra sân chơi toàn cầu.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, trong ngành nước giải khát, Tân Hiệp Phát tự hào đang cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia và sản phẩm của Tập đoàn có mặt trên 20 thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để làm được như vậy là một hành trình đầy thách thức. Tân Hiệp Phát đã chọn chất lượng sản phẩm làm nền tảng và đầu tư 300 triệu USD xây chuỗi dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất thế giới từ 10 năm trước.
Ở thời điểm đó, hầu như không ai tin 1 doanh nghiệp Việt Nam có thể bỏ ra khoản tiền lớn như vậy để đầu tư, nhưng Tân Hiệp Phát đã làm và đó là nền tảng để doanh nghiệp xây dựng được nội lực đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, bà Phương cũng chia sẻ rằng, doanh nghiệp đầu tư cả trăm triệu USD, nhưng khi ra thị trường thì sản phẩm chỉ có 10.000 đồng.
Do đó, làm thế nào để người tiêu dùng thấu hiểu sản phẩm, có niềm tin với sản phẩm và chấp nhận sản phẩm trên diện rộng lại là một bài toán khác. Các doanh nghiệp muốn tồn tại phải giải được bài toán đó.
Tại Tân Hiệp Phát, có những mẫu quảng cáo chỉ chạy 30 giây, nhưng cần thời gian làm cả nửa năm với chi phí hàng chục triệu USD.
Từ khát vọng xây dựng thương hiệu Việt hàng đầu khu vực và trường tồn, Tân Hiệp Phát luôn mang trong mình “ám ảnh khách hàng” và thực tế đã ghi dấu thành công trên một số thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để có nhiều doanh nghiệp Việt tự tin về năng lực sản xuất và bước được chân ra toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước phải có sự đầu tư thích đáng, xây thương hiệu quốc gia, xây nền tảng pháp lý, thậm chí cả việc sẵn sàng “che chắn” cho doanh nghiệp nội trong những va đập trên trường quốc tế.
“Nếu để doanh nghiệp Việt, với đại đa số quy mô nhỏ và siêu nhỏ như hiện nay tự bơi trên biển hội nhập thì không khác gì đặt một người không chuyên, nặng 45 kg lên võ đài đấu với các võ sỹ hạng nặng quốc tế như Nhật, Mỹ… Làm sao doanh nghiệp chúng ta thắng được?”, ông Dũng trăn trở.