Liên danh là hình thức phổ biến với hầu hết doanh nghiệp. Theo khoản 35, Điều 4 - Luật Đấu thầu năm 2013 thì nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham gia dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.
Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh.
Thực tế đã nảy sinh trường hợp nếu một thành viên trong liên danh gian dối hồ sơ dự thầu thì các thành viên còn lại sẽ bị xử lý ra sao?
Hiện nay, khung pháp lý chưa quy định cụ thể dẫn đến tình cảnh các cơ quan tố tụng hiểu và xét xử khác nhau.
Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã xem xét đơn kháng cáo của Công ty TNHH Xây dựng Nguyên Tín (ở Bình Định) về khiếu kiện với chủ đầu tư.
Trước đó, vào năm 2018, Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định là chủ đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp 15 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Tháng 10/2018, Ban quản lý tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp gói thầu thi công 3 hồ chứa nước Cự Lễ, Lỗ Môn và Hố Cùng thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, Bình Định (gói thầu số 11).
Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thảo trong đó có Liên danh Công ty Nguyên Tín và Công ty TNHH Đức Hải (Nghệ An).
Ngày 19/11/2018, Tổ chuyên gia xét thầu mở các hồ sơ dự thầu thì phát hiện Liên danh cố ý làm giả nội dung tài liệu.
Cụ thể là Công ty Đức Hải kê khai có kinh nghiệm thi công hồ chứa nước cấp III và đính kèm tài liệu là bản sao chứng thực quyết định của UBND tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, theo tài liệu mà chủ đầu tư có được thì quy mô công trình là cấp IV. Hồ sơ dự thầu của Liên danh không đáp ứng được yêu cầu.
Việc tự ý sửa đổi nội dung quyết định là hành vi gian lận trong đấu thầu.
Ngày 22/11/2018, Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định đã gửi thông báo cho Liên danh và đến ngày 10/12/2018 thì ra quyết định 238 cấm Công ty Nguyên Đức và Công ty Đức Hải tham gia đấu thầu đối với các dự án xây dựng do Ban quản lý làm chủ đầu tư trong 4 năm.
Việc ra quyết định dựa trên căn cứ vào khoản 1, Điều 122 - Nghị định 63 với lý do nhà thầu cố ý cung cấp thông tin không trung thực; vi phạm điểm c, khoản 4, Điều 89 - Luật Đấu thầu năm 2013.
Ngay sau đó, Công ty Nguyên Đức có đơn khiếu nại nhưng không thay đổi kết quả nên đã khởi kiện yêu cầu hủy một phần quyết định trên.
Năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của doanh nghiệp. Công ty Nguyên Đức tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Được biết, Công ty Nguyên Tín và Công ty Đức Hải ký thỏa thuận liên danh ngày 8/11/2018. Theo khoản 35, Điều 4 - Luật Đấu thầu năm 2013 thì khi tham gia đấu thầu, cả hai doanh nghiệp đều là nhà thầu chính, không tách rời quyền và nghĩa vụ với nhau.
Việc Công ty Đức Hải sử dụng hồ sơ giả, dẫn đến hồ sơ dự thầu bị loại là đúng quy định và thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, trường hợp này, nhà thầu bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3-5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các khoản 1,2,3,4,5 Điều 89 Luật Đấu thầu. Việc ban hành quyết định cấm Liên danh tham gia các hoạt động đấu thầu là phù hợp.
Tuy nhiên, Quyết định số 238 của Ban quản lý lại cấm thầu đối với pháp nhân là Công ty Nguyên Đức trong hạn 4 năm là chưa phù hợp.
Bởi lẽ hai pháp nhân chỉ thỏa thuận liên danh đối với gói thầu số 11, lỗi của Công ty Đức Hải dẫn đến hậu quả là Liên danh bị loại.
Thỏa thuận của Liên danh cũng ghi nhận, hiệu lực chấm dứt khi nhà thầu liên danh không trúng thầu.
Như vậy, trách nhiệm chung của Công ty Nguyên Đức và Công ty Đức Hải đã chấm dứt. Do đó, tòa án quyết định hủy một phần Quyết định số 238.
Câu chuyện của Công ty Nguyên Đức là vấn đề hóc búa, bởi lẽ hiện nay các quy định vẫn chưa rõ ràng khi luật và nghị định mới chỉ quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu và hình thức xử lý.
Pháp luật cũng không có quy định nào bắt buộc mọi thành viên phải nắm rõ năng lực của nhau. Song đây cũng là bài học nhãn tiền với các doanh nghiệp khi lựa chọn đối tác tham gia liên danh, bởi có thể gặp các rủi ro lớn, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh.