Làm sao phòng ngừa rủi ro với tranh chấp chưa có luật?

(ĐTCK) Các tranh chấp dân sự phát sinh hàng ngày, hàng giờ và ngày càng phức tạp. Có không ít trường hợp tranh chấp rơi vào tình huống chưa có điều luật quy định rõ ràng. Khi đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải làm gì để lường trước rủi ro, giảm thiểu thiệt hại?
Làm sao phòng ngừa rủi ro với tranh chấp chưa có luật?

Gian nan đòi vốn góp

Pháp luật không cấm rút vốn, nhưng để rút vốn góp thì nhà đầu tư phải lựa chọn: Hoặc là yêu cầu công ty mua lại cổ phần, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp cho cổ đông sáng lập, hoặc giải thể doanh nghiệp. Nếu là những trường hợp doanh nghiệp thành lập và hoạt động thì việc xử lý được giải quyết như trên. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà việc thành lập doanh nghiệp chưa thành, việc đòi tiền góp vốn sẽ xử lý ra sao?

Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Hữu N. góp vốn ra nước ngoài. Theo bản án sơ thẩm, năm 2009, ông N. cùng với 3 người bạn góp vốn với bà M.H. - một Việt kiều ở Úc để thành lập trường Autralia Grammar Academy (AGA) tại Sydney (Úc), tổng vốn đầu tư là 500.000 đô-la Úc. Sau này, số vốn được tăng lên 700.000 đô-la Úc. Theo thỏa thuận, ông N. góp 70.000 đô-la Úc.

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, ông N. đã thực hiện việc góp vốn như trên. Từ đó đến nay, dự án không triển khai bất cứ hoạt động nào nên ông N. khởi kiện đòi lại tiền vốn và lãi tổng cộng 1,6 tỷ đồng. Bà M.H. không dự tòa, nhưng án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.

Sau đó, bà M.H kháng cáo cho rằng, bị đơn phải là Trường AGA, bà là người nước ngoài, nhưng tòa không tống đạt văn bản tố tụng cho bà theo đúng quy định. Người đại diện của bà M.H đề nghị hủy án sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm cho rằng, thời điểm tòa án thụ lý và giải quyết vụ án thì bà M.H có mặt tại Việt Nam, có thời gian cư trú tại Việt Nam, nên tòa án tống đạt văn bản về địa chỉ của bà M.H tại Việt Nam là hợp lệ.

Tại biên bản họp cổ đông lần 2 (ngày 29/12/2009), các bên đã thống nhất lập trường, nhưng đến nay chưa thành lập được nên không thể xác định một pháp nhân chưa tồn tại là bị đơn. Tại biên bản này, bà M.H đã xác nhận số dư nợ thực tế của các thành viên góp vốn và thỏa thuận thành viên có quyền rút vốn ra nếu không muốn tiếp tục đầu tư. Năm 2019, tòa án đã tuyên bà M.H phải có trách nhiệm trả lại tiền cho ông Nguyễn Hữu N.

Công nhận nhà thầu: Được vạ thì má đã sưng

Trong trường hợp trên, tuy mất rất nhiều thời gian, nhưng nhà đầu tư cũng có phán quyết có lợi cho mình và có khả năng lấy lại tiền, thì câu chuyện Tổng công ty Xây dựng đường thủy - Vinawaco lại rơi vào cảnh “được vạ thì má đã sưng”.

Vừa qua, Viawaco đã khởi kiện Công ty TNHH Cảng quốc tế Thị Vải với 2 yêu cầu là buộc bị đơn phải công nhận Công ty là một trong các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật các gói thầu PK1A-1, PK1B-1 và buộc bị đơn phải mở túi hồ sơ tài chính. Vụ tranh chấp liên quan đến gói thầu thi công và nạo vét khu vực sà lan thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng Thị Vải - giai đoạn 1.

Được biết, tháng 10/2017, Vinawaco nộp hồ sơ dự thầu để tham gia đấu thầu 2 gói thầu nói trên, hình thức tham gia đấu thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, đó là hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ tài chính.

Sau khi mở thầu, chủ đầu tư là Công ty Cảng quốc tế Thị Vải đã thông báo kết quả. Theo đó, hồ sơ tham dự thầu của Vinawaco bị loại với lý do không đáp ứng được yêu cầu về đề xuất kỹ thuật. Tuy nhiên, Vinawaco cho rằng, hồ sơ của Công ty đáp ứng được các tiêu chí của hồ sơ mời thầu.

Về lý do loại nhà thầu, chủ đầu tư cho rằng, Vinawaco không đáp ứng năng lực tài chính. Cụ thể, Vinawaco bị khởi kiện nhiều lần bởi nhà thầu phụ do không thực hiện việc thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Chẳng hạn, bị CTCP Đầu tư xây dựng và nạo vét đường thủy kiện đòi 53,4 tỷ đồng và lãi chậm trả. Vinawaco xảy ra vụ án hành vi đưa nhận hối lộ, thông thầu. Trong các dự án của Bộ Giao thông - Vận tải, Vinawaco nhiều lần bị nhắc nhở vì chậm tiến độ, báo cáo tài chính có nhiều điểm nghi vấn, không rõ ràng.

Liên quan đến biểu hiện thông thầu, chủ đầu tư cho biết, Vinawaco có văn bản phản đối kết quả đấu thầu khi mà chủ đầu tư chưa ban hành các văn bản công bố kết quả đấu thầu. CTCP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu - một thành viên góp vốn tại Công ty Cảng quốc tế Thị Vải, đã lấy các văn bản này từ một phó giám đốc và chuyển cho Vinawaco.

Chủ đầu tư cho rằng, Vinawaco thông đồng với các cá nhân, tổ chức có liên quan để thu thập kết quả lựa chọn nhà thầu, vi phạm Điều 89 - Luật Đấu thầu: Hành vi tiết lộ kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi được công khai theo quy định là hành vi bị cấm.

Năm 2018, bản án sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện, công nhận Vinawaco là nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật 2 gói thầu nói trên và buộc chủ đầu tư phải mở túi hồ sơ đề xuất về tài chính của nguyên đơn. Sau phiên tòa sơ thẩm, Công ty Cảng quốc tế Thị Vải kháng cáo.

Tòa án phúc thẩm cho rằng, nguyên tắc chấm thầu là căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác có trong hồ sơ mời thầu, có nghĩa là chủ đầu tư không được căn cứ vào các tiêu chuẩn nằm ngoài hồ sơ mời thầu để chấm.

Trong đó, bao gồm các tiêu chí về không hoàn thành hợp đồng và kết quả hoạt động tài chính. Về tiêu chí không hoàn thành hợp đồng, nhà thầu chỉ bị nhắc nhở tiến độ, không phải trường hợp không hoàn thành. Về kết quả hoạt động tài chính, nhà thầu đáp ứng điều kiện tài sản ròng năm gần nhất đã qua kiểm toán có kết quả dương.

Một số vấn đề tài chính khác như chưa bàn giao vốn nhà nước hay chưa lập một số quỹ theo quy định, chủ đầu tư nghi ngờ nhưng đã không yêu cầu nhà thầu làm rõ. Do đó, tòa án xác định nhà thầu đáp ứng tiêu chuẩn của hồ sơ mời thầu. Các lý do khác chủ đầu tư nêu ra đã bị tòa án bác bỏ.

Mới đây, tòa án xác định, Vinawaco là nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật và Công ty Cảng quốc tế Thị Vải có trách nhiệm thực hiện quy trình đấu thầu theo đúng quy định về pháp luật đấu thầu.

Mặc dù bản án đã công nhận Vinawaco là nhà thầu, nhưng trên thực tế, dự án trên đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Doanh nghiệp khởi kiện thành công, nhưng việc thi hành án dường như không còn nhiều ý nghĩa.

Làm sao để phòng ngừa rủi ro?

Khi nền kinh tế phát triển sẽ nảy sinh nhiều quan hệ, tranh chấp mới mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh, dẫn đến các bên buộc phải khởi kiện nhau ra tòa án, mất nhiều thời gian và công sức để bảo vệ quyền lợi của mình. Và khi chờ cơ quan tố tụng giải quyết xong, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể bị mất cơ hội kinh doanh.

LS. Nguyễn Minh Đức - Công ty Luật DNAS cho biết, kế toán, tài chính, pháp lý là công cụ cho người điều hành sử dụng linh hoạt, có trường hợp sẽ phải kết hợp các yếu tố trên, có trường hợp phải bỏ qua, có trường hợp phải dùng trước hoặc sau để đạt mục đích tối ưu hóa đối với doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi người điều hành doanh nghiệp phải có kiến thức tổng hợp, nhận định rõ những điểm chính, cốt lõi để vận dụng sao cho đúng.

Pháp luật cũng đã dự liệu và quy định trong Bộ luật Dân sự 2014, tương ứng Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về việc áp dụng các căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thực hiện theo thứ tự sau: 1. Áp dụng tập quán; 2. Áp dụng tương tự pháp luật; 3. Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.

Tuy nhiên, một đại diện viện kiểm sát nhân dân cho biết, mặc dù pháp luật có quy định, nhưng hiện chưa áp dụng tập quán vì vấn đề này rất phức tạp. Do đó, khi thụ lý hồ sơ một vụ việc dân sự, cơ quan tố tụng thường xem xét trên phương diện tất cả các văn bản pháp luật, nghị định, hướng dẫn…, đặc biệt thời gian gần đây, việc áp dụng án lệ đã giúp tháo gỡ một số vướng mắc.

Theo cáo cáo của ngành tòa án năm 2019, tính đến ngày 30/11/2018, có hơn 300 bản án, quyết định của tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án.

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục