Các thương vụ đầu tư chiến lược “tắt ngấm”, tại sao?

(ĐTCK) Sau những hào hứng ban đầu khi Việt Nam mới bước chân gia nhập WTO, hiện các ngân hàng nước ngoài lại tỏ ra rất thận trọng trong việc “se duyên” cùng các ngân hàng nội.
HSBC là ngân hàng có lượng đầu tư mạnh mẽ nhất tại Việt Nam - Ảnh: Hoài Nam

Hào hứng với WTO

Tháng 3/2005, ANZ đã có thông báo về việc mua 10% cổ phần trong Sacombank với giá 27 triệu USD, nhằm mở rộng ảnh hưởng riêng ở khu vực châu Á. Giám đốc điều hành ANZ phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Elmer Funke Kupper trong thông cáo của ANZ đã bày tỏ hy vọng, việc kết hợp mạng lưới chi nhánh hoạt động của Sacombank với khả năng quản lý rủi ro, cung cấp dịch vụ về ngân hàng bán lẻ và công nghệ của ANZ sẽ mở ra cơ hội phát triển hơn nữa cho ngân hàng.

Tiếp đó, đến tháng 6/2005, NHNN đã có văn bản chấp thuận đồng ý ACB được bán cổ phần cho Ngân hàng Standard Chartered với mức tham gia tối đa là 10% vốn điều lệ của ACB. Đến năm 2008, Standard Chartered công bố thỏa thuận mua thêm 6,16% cổ phần của ACB từ IFC và thêm 7,10% trái phiếu chuyển đổi của ACB; nâng mức sở hữu cổ phần và trái phiếu chuyển đổi từ lần lượt là 8,84% và 8,76% lên 15% và 15,86%.

Vào ngày cuối cùng của năm 2005, Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) thông báo quyết định mua 10% vốn cổ phần của Techcombank. Tháng 7 năm 2007, HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu cổ phần tại một ngân hàng trong nước với tỷ lệ 15%, thông qua việc mua thêm cổ phần của Techcombank. Tháng 9 năm 2008, HSBC hoàn tất việc nâng cổ phần sở hữu tại Techcombank lên 20% và trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 20% vốn cổ phần tại một ngân hàng trong nước.

Cũng trong lĩnh vực tài chính, tháng 9/2007, HSBC ký hợp đồng mua 10% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt và tháng 10/2009, HSBC ký thoả thuận tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Bảo Việt từ mức 10% lên 18%.

Một tên tuổi khác, cuối năm 2007, Deutsche Bank AG (Đức) đã hoàn thành việc mua 10% cổ phần của Habubank (HBB) và chính thức trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng này.

Sau giai đoạn bùng nổ kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thì phải chờ đến tận tháng 9/2011, câu chuyện mua cổ phần chiến lược nước ngoài mới được nối lại với thương vụ Vietcombank bán cho Mizuho 15% vốn điều lệ giá trị 567,3 triệu USD, xác lập một kỷ lục mới.

Tuy nhiên, kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ khi vào cuối năm 2012, VietinBank đã ký kết các hợp đồng chi tiết của giao dịch bán 20% cổ phần trị giá 15.465 tỷ đồng, tương đương 743 triệu đô la Mỹ, giá bán là 24.000 VND/cổ phần, cho nhà đầu tư chiến lược là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (“BTMU”). 

Trầm lắng đáy khủng hoảng

Kể từ năm 2013, những thông tin về khó khăn kinh tế của các doanh nghiệp nội ồ ạt xuất hiện, những đề án tái cấu trúc lớn được công bố. Những thương vụ chiến lược chuyển sang một sắc thái khác đó là thoái vốn. Cụ thể là thoái và chuyển nhượng vốn.

Sau nhiều đồn đoán, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cuối cùng cũng đã tổ chức lễ công bố nhà đầu tư chiến lược mới năm 2012. Công ty HSBC Insurance (Asia-Pacific) Holdings Limited, một công ty con 100% vốn thuộc sở hữu gián tiếp của HSBC đã chính thức ký hợp đồng bán toàn bộ 18% cổ phần tại BVH cho công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo của Nhật Bản. Giá trị thương vụ đạt 7.098 tỷ đồng (tương ứng gần 340 triệu USD và khoảng 28 tỷ Yên), thanh toán bằng tiền mặt.

Theo thỏa thuận năm 2007, HSBC cam kết nắm giữ số cổ phần của BVH trong thời gian tối thiểu 5 năm và có quyền tăng tỷ lệ nắm giữ lên thành 25% trong thời gian trên. Lý do không nằm ở BVH khi Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm HSBC Châu Á - Thái Bình Dương, Marcelo Teixeira cho biết, quyết định thoái vốn tại BVH là do sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu của HSBC, không liên quan đến chất lượng khoản đầu tư tại Bảo Việt.

Với Sacombank, sau nhiều năm liên tục phải phủ nhận tin đồn ANZ rút vốn khỏi ngân hàng, đầu tháng 1/2012, trong thông cáo báo chí phát đi tại Việt Nam, Tập đoàn ANZ cho biết đã nhận được phê duyệt cho phép bán 9,6% cổ phần tại Sacombank cho Eximbank.

Ông Alex Thursby, Tổng giám đốc ANZ khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ cho biết, Ngân hàng đã thiết lập quan hệ hợp tác với Sacombank từ 2005. Song hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn từ khi ANZ thành lập ngân hàng con vào năm 2008 và mua lại mảng ngân hàng bán buôn của Ngân hàng Royal Bank of Scotland tại Việt Nam năm 2009. Vì vậy, ANZ quyết định bán cổ phần tại Sacombank để tập trung vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Một thương vụ được thị trường nhìn nhận thất bại là Deutsche Bank khi đầu tư vào HBB. Theo báo cáo thường niên 2011 của HBB, cổ đông lớn là Deutsche Bank sở hữu 40,5 triệu cổ phiếu HBB, chiếm 10% vốn điều lệ. Theo phương án hoán đổi cổ phiếu HBB đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu HBB được hoán đổi sang 0,75 cổ phiếu SHB và cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu SHB được nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB. Như vậy, sau ngày 20/8/2012, toàn bộ số cổ phiếu HBB mà Deutsche Bank nắm giữ sẽ được chuyển thành 30,375 triệu cổ phiếu SHB, chiếm 3,426% vốn điều lệ mới của SHB là 8.865 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho biết, sau thông tin về việc sáp nhập HBB vào SHB, Deutsche Bank đã có cuộc làm việc với SHB. Sau khi nghe về lộ trình sáp nhập và chiến lược kinh doanh của SHB, Deutsche Bank bày tỏ mong muốn được làm cổ đông của SHB và chưa có ý định thoái vốn. Nhưng thực tế sau đó, Deutsche Bank đã bán hết cổ phiếu trên sàn.

Chưa hết, trước thông tin Standard Chartered có thể thoái vốn tại nhiều ngân hàng châu Á nhằm tăng vốn vào đầu năm 2015 mới công bố, nhiều nhà quan sát cho rằng các khoản vốn đầu tư của Standard Chartered có thể nằm trong danh sách này. 

Chiến lược và câu hỏi về vai trò

Cảm nhận về thị trường ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, đầy tiềm năng với 90 triệu dân nhưng hoạt động ngân hàng mới chỉ tập trung ở đô thị và có tới 80% người dân chưa tiếp cận hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, cảm nhận đó không được chứng minh bằng các hành động cụ thể bởi không có một thương vụ đầu tư chiến lược từ các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong 2 năm qua.

“Thống kê trên TTCK Việt Nam gần đây cho thấy, nhà đầu tư giá trị nước ngoài đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc tham gia thị trường, thậm chí còn chịu áp lực thoái vốn khá lớn. Điều này cho thấy các ngân hàng nước ngoài rất đắn đo trong việc đầu tư vào ngân hàng Việt Nam”, Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP nói.

Một lãnh đạo cao cấp của ngân hàng TMCP từng có nhà đầu tư nước ngoài cho biết, sự cẩn trọng của các ngân hàng nước ngoài xuất phát từ nguyên nhân “đầu tiên và quan trọng nhất” đó là cổ phần bị giới hạn ở mức 30% cho các nhà đầu tư ngoại và 20% cho một đối tác. Tỷ lệ này vẫn được coi là bé nhỏ để có một tiếng nói có trọng lượng hơn trong HĐQT cũng như Ban lãnh đạo một ngân hàng Việt Nam.

Ngoài ra, sự lo ngại về mức độ minh bạch thông tin của các ngân hàng. Độ minh bạch bị đặt vấn đề ngay cả những báo cáo tài chính không được cung cấp đầy đủ trong nội bộ Ban lãnh đạo của ngân hàng chứ đừng nói đến cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một câu chuyện khác là quản trị rủi ro mặc dù đã được cố gắng đẩy cao hơn nhưng vẫn còn khá èo uột và ngành ngân hàng vẫn có những lỗi mang tính hệ thống.

“Chỉ có những ngân hàng khá hiểu văn hóa châu Á như Nhật Bản thì mới có thể tiếp tục mạnh dạn công cuộc đầu tư vốn, hay những ngân hàng có truyền thống hoạt động lâu đời tại châu Á thấy môi trường kinh doanh gần gũi và chấp nhận rủi ro. Còn các ngân hàng phương Tây truyền thống, kinh doanh mực thước cảm thấy việc đầu tư vào là rất mạo hiểm sẽ chùn bước”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là, sau những bỡ ngỡ ban đầu, hiện các định chế tài chính nước ngoài đã hiểu khá rõ về thị trường Việt Nam nên cũng không cần phải “thông qua” một ngân hàng nội để thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, theo các cam kết hội nhập, hiện các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã được đối xử quốc gia đầy đủ, nên nếu quyết định đến với Việt Nam, các định chế tài chính nước ngoài có thể hiện diện theo phương cách này. Đó cũng chính là lý do, nhiều ngân hàng nước ngoài thích mô hình ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam hơn.

Phương Hà
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục