Xử lý nợ xấu không dễ như kỳ vọng

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities nhận định, việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, song để sớm kỳ vọng xử lý triệt để các khoản nợ xấu thì không dễ dàng, vì chưa có đầu ra.
Ông Yun Hang Jin Ông Yun Hang Jin

Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động xử lý nợ xấu của Việt Nam kể từ khi VAMC ra đời?

Trong năm qua, VAMC đã thành công trong việc “gom” nợ xấu và làm sạch sổ sách cho các ngân hàng. Cụ thể, VAMC đã mua được xấp xỉ gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu so với mục tiêu kỳ vọng ban đầu là 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ mua nợ xấu, mà chưa xử lý được cũng không phải là giải pháp tốt. Trên thực tế, các khoản nợ xấu này hiện mới dịch chuyển từ các ngân hàng sang VAMC, con số xử lý thực trong năm qua mới được 4.000 tỷ đồng. Do đó, để kỳ vọng nợ xấu sớm được xử lý là không dễ. 

Nợ xấu của ngành ngân hàng chưa được giải quyết triệt để, theo ông, sẽ tác động ra sao đến hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết và thị trường nói chung?

Đây là một trong những vấn đề tác động không tích cực lên hoạt động của doanh nghiệp, bởi khi nợ xấu còn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay mới để mở rộng đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, so với năm 2014, hoạt động của doanh nghiệp năm nay khả năng cải thiện hơn.

Năm 2014, số nợ xấu xử lý thực mới được 4.000 tỷ đồng 

Theo ông, việc ngành ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất trong năm nay có là giải pháp hữu hiệu đối với quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống?

Mặc dù NHNN cho biết sẽ kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm nên chủ trương đưa ra là phải đẩy mạnh sáp nhập, gom các ngân hàng nhỏ với nhau hoặc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng quy mô lớn, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề nợ xấu vẫn cần có một chính sách rõ ràng hơn mới có thể giải quyết được triệt để.

Chẳng hạn, một ngân hàng nhỏ có nợ xấu 1.000 tỷ đồng, khi gom 3 ngân hàng như vậy lại với nhau, nợ xấu sẽ tăng lên 3.000 tỷ đồng, khi đó, liệu NHNN có chịu bỏ tiền mua lại nợ xấu này để xử lý triệt để hay vẫn là giải pháp kéo giãn thời gian. Do đó, việc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào nhà băng lớn chưa phải là giải pháp tốt nhất để xử lý được triệt để nợ xấu của ngành.

Ông đánh giá thế nào về sức khỏe của các ngân hàng Việt sau quá trình M&A?

Phải thừa nhận, quá trình tái cấu trúc của ngành ngân hàng Việt Nam trong 3 năm qua đã có những thành công nhất định. Nhưng tôi cho rằng, điều đó chỉ mới tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi họ cho rằng, việc sáp nhập ngân hàng yếu lại với nhau hoặc ngân hàng yếu vào ngân hàng lớn để giảm số lượng, lành mạnh hệ thống. Còn thực tế, nếu so với việc tái cơ cấu, thì việc sáp nhập, hợp nhất mới chỉ là những bước đầu tiên.

Ngành ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh sáp nhập, mở room thu hút vốn ngoại tham gia, có là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này, thưa ông?

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ khuyến khích các tổ chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất các TCTD trong nước yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu.

Điều này đã được cụ thể hóa trong Nghị định 01 của Chính phủ khi quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém để cơ cấu lại TCTD này. Tuy nhiên, theo tôi, để thực hiện được việc này không dễ.

Vì một khi mua lại TCTD yếu kém trong nước, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ rót vốn mà còn phải cam kết từng bước đưa TCTD đó phát triển. Trong khi, các nhà đầu tư nước ngoài luôn xem xét kỹ lưỡng sức khỏe, chiến lược của các ngân hàng trước khi quyết định rót vốn đầu tư.

Ngân hàng mà nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến đầu tư tuy quy mô không cần lớn, nhưng phải có chiến lược rõ ràng cùng tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai, chứ không hẳn mở room cho ngân hàng yếu đã hút được vốn ngoại.

Theo ông, việc áp chuẩn Thông tư 36 có ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng?

Có thể trước mắt sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi nguồn tiền tín dụng vào chứng khoán bị hạn chế, nhưng về trung, dài hạn sẽ tạo đà tăng trưởng bền vững cho TTCK.

Mục tiêu của Thông tư 36 là làm cho hoạt động của các ngân hàng mạnh lên, hướng đến chuẩn mực quốc tế. Lợi nhuận của các ngân hàng thời gian đầu áp dụng Thông tư có thể bị ảnh hưởng nên khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ bị tác động. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi cho rằng, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn được xem là tiềm năng, nhất là sau giai đoạn ngành trải qua quá trình tái cơ cấu và lành mạnh hệ thống. 

Ngân hàng thực hiện quy định của Thông tư 36 phần nào tác động đến chứng khoán, nhưng thực tế giá dầu giảm thời gian qua ảnh hưởng tâm lý khối ngoại nhiều hơn. Liệu điều đó có tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, thưa ông?

Việc giá dầu giảm mạnh đang tác động tích cực lên sức khỏe của đồng USD khiến tâm lý thoát khỏi các tài sản khác để “ôm” đồng USD là rất cao. Đặc biệt là khi đồng USD được đánh giá sẽ còn mạnh lên trong thời gian tới, bởi giá dầu khó có thể bật mạnh trở lại và dự báo sẽ giảm tiếp.

Mặt khác, khi các dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm điều chỉnh lãi suất trong năm nay, dự kiến vào tháng 6 đến tháng 9/2015. Vì thế, các nhà đầu tư ngoại bán ròng không chỉ tại TTCK Việt Nam, mà tình trạng này cũng đã và dự kiến sẽ còn diễn ra ở các thị trường mới nổi, nên khả năng trong 6 tháng đầu năm nay, tình trạng trên có thể tiếp diễn. Nhưng hiện vẫn có những yếu tố hỗ trợ tích cực tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, đó là những yếu tố nào và sẽ tác động ra sao đến tâm lý khối ngoại?

Bên cạnh những khó khăn còn tồn tại, cũng có những yếu tố sẽ tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư. Chẳng hạn, UBCK cho biết sẽ trình Chính phủ lại đề án cho phép nới “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Lãi suất vay vốn giảm dần, giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.

Thêm vào đó, Luật Nhà ở sửa đổi vừa được thông qua nới điều kiện cho phép người nước ngoài được nắm giữ tài sản bất động sản sẽ giúp thanh khoản thị trường này tăng, cổ phiếu bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, việc giá dầu giảm cũng có tác động tích cực lên các doanh nghiệp cho chi phí nguyên liệu giảm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục