“Nên cho phép công ty quản lý quỹ tham gia mua bán nợ”
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI
Điểm quan trọng trong xử lý nợ xấu là làm thế nào để VAMC bán được nợ xấu. Hiện đã có quy định cho phép VAMC bán nợ xấu cho các cá nhân và tổ chức trong nước, nhưng còn nhiều vướng mắc, nhất là với NĐT nước ngoài, chưa có chính sách cụ thể để thu hút họ tham gia. Trong khi đó, xử lý nợ xấu đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Cũng cần cho phép công ty quản lý quỹ được tham gia mua bán nợ.
“Cần thu hút NĐT nước ngoài tham gia mua bán nợ xấu”
Ông Darryl James Dong, Đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)
Đồng thời, phải có nguồn lực thật cho VAMC, hoặc phía các ngân hàng phải chấp nhận chịu lỗ khi xử lý nợ xấu. Có nghĩa, để giải quyết được nợ xấu, cần có giải pháp thị trường và sự thỏa thuận giữa các bên trong việc mua bán nợ. Trong đó, việc chịu lỗ khi bán nợ xấu là điều đương nhiên, có thể Chính phủ phải gánh chịu phần lỗ này.
“Tốc độ phát sinh nợ xấu đang nhanh hơn tốc độ xử lý nợ xấu”
TS. Trần Du Lịch,Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Để giải quyết nợ xấu, trước hết, phải cải thiện tổng cầu của thị trường. Hiện thị trường có 3 nhóm doanh nghiệp: nhóm 1 là nhóm đang làm ăn tốt; nhóm 2 là nhóm đang có nhu cầu vốn, nhưng vướng nợ xấu nên không dễ tiếp cận vốn tín dụng để mở rộng sản xuất; nhóm 3 là nhóm đang chết “lâm sàng”. Vì thế, nợ xấu vẫn là điểm nghẽn đối với nền kinh tế cũng như sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống 3%. Tôi cho rằng, bên cạnh kích thích tổng cầu của nền kinh tế, cần thực hiện đồng thời các giải pháp sau: giảm lãi suất cho những đối tượng doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt; ngân hàng tiếp tục “hy sinh” lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; tháo gỡ vướng mắc trong khâu phát mại tài sản.
Hiện việc phát mại tài sản của các ngân hàng đang gặp nhiều vướng mắc khiến nợ xấu tiếp tục tăng cao. Vì vậy, vấn đề khó nhất hiện nay là làm sao để tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức cầu yếu, cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ, trong đó có những giải pháp thu hút NĐT nước ngoài tham gia. Chẳng hạn, đối với những dự án đang xây dựng dở dang, nhưng cạn vốn có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, cho phép NĐT nước ngoài sở hữu bất động sản. Ngoài ra, cần tăng quyền cho VAMC trong hoạt động xử lý nợ xấu.
“VAMC cần được tăng quyền trong xử lý nợ xấu”
Ông Cấn Văn Lực, Hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã trích lập để tự xử lý được 33.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2013, VAMC đã được thành lập, nhưng “quyền lực” còn yếu. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là nguồn lực để xử lý nợ xấu, phải có 100% tiền để xử lý nợ xấu. Theo tôi, vốn điều lệ của VAMC cần tăng lên 2.000 tỷ đồng và quay vòng tiền bằng mua nợ xấu đổi sang trái phiếu, đồng thời bán nợ xấu để có tiền mua nợ xấu mới.
Liên quan đến việc ai là người chấp nhận lỗ khi xử lý nợ xấu, tôi cho rằng, NHTM đã chấp nhận phần lỗ rồi, 30% phần bán nợ xấu trừ đi giá trị sổ sách, VAMC đã mua 70%. Như vậy, việc bán tiếp với giá nào, nếu có chênh lệch thì sự chia sẻ như thế nào? Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, bán nợ xấu thu lại 45%, Trung Quốc thu lại 40%. Nhưng tại Việt Nam, sau khi mua nợ xấu từ các NHTM, VAMC muốn bán lại nợ xấu theo giá thị trường là điều hết sức khó khăn. Thêm vào đó, xử lý nợ xấu bằng cách phát mại tài sản không dễ. Do đó, cần tăng quyền cho VAMC trong phát mại tài sản, không phải xin ý kiến các bên như hiện nay.
Xử lý nợ xấu là một trong những yếu tố để thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngân hàng. Tái cơ cấu ngân hàng đã được thực hiện quyết liệt, với 9 NHTM yếu kém được xử lý thông qua sáp nhập, hợp nhất và từ nay đến năm 2015 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, giảm số lượng xuống khoảng 18 - 20 ngân hàng. Để đạt hiệu quả trong tái cơ cấu ngân hàng, cần phải giải quyết được nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo.