Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV xung quanh các vấn đề mà cổ đông đặt ra sau 1 năm niêm yết trên Thị trường Chứng khoán.
Nhìn lại 1 năm niêm yết cổ phiếu trên HOSE, có thể thấy giá cổ phiếu BID của BIDV ở một số thời điểm thấp hơn giá chào sàn. Ban lãnh đạo BIDV đã có suy nghĩ và hành động gì sau khi quyết định niêm yết cổ phiếu?
Giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường tăng hay giảm phụ thuộc vào quy luật cung cầu, các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như kết quả thực tế và triển vọng của doanh nghiệp. Quyết định niêm yết cổ phiếu của BIDV vào tháng 1/2014 là nằm trong kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Để khẳng định giá trị nội tại, uy tín thị trường và tiềm năng phát triển của mình, Ban lãnh đạo BIDV đã xác định ngân hàng phải thực hiện tốt Đề án tái cấu trúc giai đoạn 2013-2015 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt và Nghị quyết ĐHĐCĐ, trong đó tập trung đổi mới quản trị điều hành, cơ cấu lại nền khách hàng, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh...
Kết quả đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh 2014 một cách vững chắc, tạo điều kiện hoàn thành thắng lợi Đề án Tái cấu trúc đã là hành động cụ thể nhất của BIDV để thực hiện đầy đủ các cam kết với cổ đông.
Như chúng ta đã chứng kiến, cùng với sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế, sự ổn định của thị trường tiền tệ, cũng như với những kết quả tích cực được các NHTM công bố khi kết thúc năm tài chính 2014, trong quý 1/2015, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng trong đó có BID đã tăng giá mạnh.
Tôi cho rằng việc cổ phiếu BID liên tục được giao dịch với mức giá và khối lượng tốt chứng tỏ sự quan tâm và lòng tin của các nhà đầu tư tới tiềm năng phát triển của BIDV.
Đúng vậy. Đảm bảo lợi ích dài hạn cho các cổ đông là một trong những mục tiêu ưu tiên quan trọng trong chiến lược phát triển của BIDV. Để thực hiện được mục tiêu này, BIDV đang nỗ lực thực hiện thành công Đề án tái cấu trúc, chuẩn bị chủ động và tốt nhất cho quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, từ đó khẳng định vị thế, thương hiệu và sức cạnh tranh của BIDV trên thị trường trong và ngoài nước.
Chúng tôi tin rằng, với hiểu biết sâu sắc về thị trường qua 58 năm hình thành và phát triển, với các kết quả tích cực sau 3 năm chuyển đổi thành NHTMCP, BIDV đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới, có sức cạnh tranh cao hơn và bền vững hơn, đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu BIDV.
ông Trần Phương
Ông có đề cập tới chiến lược phát triển và đổi mới quản trị điều hành, vậy kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV có thay đổi gì so với kế hoạch không?
Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài đang được BIDV tích cực triển khai và sẽ không có gì thay đổi. Chúng tôi đang thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để lựa chọn và phát hành thêm cổ phần cho 1 nhà đầu tư chiến lược (mức tối thiểu 15% vốn điều lệ) và 1 nhà đầu tư tài chính (khoảng 10% vốn điều lệ).
Cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ giúp BIDV nâng cao năng lực tài chính, hỗ trợ đổi mới quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế, tăng cường minh bạch hóa, tiếp thu công nghệ và đổi mới sản phẩm… góp phần đạt được các mục tiêu của quá trình cổ phần hóa.
Khi Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại và đặc biệt là sự tham gia chính thức của Việt Nam vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối 2015, Ông có thể nêu cụ thể hơn về những công việc BIDV đã thực hiện để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế?
Từ đầu năm 2000, BIDV đã xác định hội nhập là định hướng chiến lược trong tiến trình mở rộng hoạt động của ngân hàng sang các nước trong khu vực ASEAN và một số nước châu Âu. BIDV đã có những am hiểu và tích lũy đáng kể về thực tiễn thị trường các nước như 15 năm tại thị trường Lào, 6 năm tại Campuchia, 3 năm tại Myanmar.
Kết quả kinh doanh khả quan tại các thị trường này những năm qua cho thấy bước đi đúng đắn của Ban lãnh đạo BIDV qua các thời kỳ.
Cuối năm nay, Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hội nhập cùng một thị trường khu vực rộng lớn 600 triệu dân, với đặc điểm tự do lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ và đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và dịch chuyển lao động có tay nghề. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với DN Việt trong quá trình phát triển.
Để vượt qua những thách thức, tận dụng tốt cơ hội trong quá trình hội nhập, BIDV đã có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về các cam kết của Việt Nam với các nước, dự báo các tác động đến các ngành kinh tế chủ chốt, đến nền khách hàng, để từ đó ban hành Chương trình hành động cụ thể nhằm nắm bắt các cơ hội kinh doanh và nhanh chóng thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Theo đó, BIDV hiện đang tăng cường các báo cáo đánh giá, dự báo thị trường khu vực và quốc tế; dự báo mức độ cạnh tranh, phân tích các chính sách và khung pháp lý của các nước nhằm xác định mục tiêu và hình thành các chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp cho các hiện diện thương mại của BIDV tại nước ngoài.
Đối với thị trường trong nước, BIDV cũng khẩn trương xây dựng và hoàn thiện danh mục sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh, mở rộng các biện pháp tiếp thị nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước cũng như hướng tới phục vụ mạnh mẽ hơn khu vực các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI.
Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư sang Lào, Campuchia và Myanmar, BIDV có tầm quan sát rộng cũng như có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy làn sóng đầu tư – thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam sang các nước bạn. Bên cạnh đó, BIDV cũng thường xuyên có những đề xuất kịp thời cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành trong quá trình đổi mới khung pháp lý, tạo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam hoạt động thuận lợi hơn trên thị trường khu vực và quốc tế.
Còn về vấn đề sáp nhập, Thống đốc NHNN đã ra thông điệp về việc ngân hàng lớn phải nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ, với BIDV là nhận sáp nhập MHB và có thể còn thêm ngân hàng khác nữa. Vấn đề là điều này có ý nghĩa gì với sự phát triển của BIDV hay không?
Nhìn lại lịch sử phát triển của thị trường tài chính – ngân hàng tại các nền kinh tế phát triển cũng như các nền kinh tế mới nổi đã cho thấy, M&A là phương thức chủ chốt và hiệu quả để cơ cấu lại và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại.
Chúng tôi cho rằng, với những kết quả tích cực đã đạt được của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo QĐ 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với điều kiện của thị trường và sức ép cạnh tranh khi hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, yêu cầu của Thống đốc về việc đẩy mạnh giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các TCTD là hoàn toàn phù hợp.
Một định chế tài chính sau sáp nhập sẽ dễ dàng có quy mô lớn hơn, nhưng để hoạt động thông suốt và có hiệu quả thì còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố cả về kinh nghiệm và năng lực quản lý. Về yêu cầu này, BIDV là ngân hàng có nhiều kinh nghiệm xử lý trong quá khứ. Đặc biệt, BIDV đủ nguồn lực về tài chính, con người và công nghệ để phát huy hiệu quả nhanh nhất các cấu phần sáp nhập vào BIDV.
Thông qua M&A, BIDV sẽ có được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, hệ thống mạng lưới được mở rộng, nền khách hàng được đa dạng hóa và khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ... Đây là những giá trị cộng hưởng cần thiết để góp phần giúp BIDV tiếp tục giữ vững vị thế là một định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế vào năm 2020.