Các thị trường lớn của ngành thủy sản đang hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
Dù chưa bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung, các thị trường lớn của ngành thủy sản đã có tín hiệu hồi phục cả về nhu cầu và giá nhập khẩu.
Các thị trường lớn của ngành thủy sản đang hồi phục

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất, với 84%; cá ngừ cũng tăng tích cực với 22%; xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%; xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ.

Mỹ là thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực nhất, với mức tăng trưởng 7%, đạt 605 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Riêng thị trường Trung Đông có mức tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe cho biết: “Mục tiêu của ngành thủy sản là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, mặt hàng tôm nỗ lực phấn đấu đạt mức 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh thông tin, hiện Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam, chiếm 20% tỷ trọng khi tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm xanh gấp 112 lần và tôm chân trắng hơn 30%. Xuất khẩu tôm sang một số thị trường cũng có xu hướng tích cực như Canada tăng 51%, Anh tăng 15%, Nga tăng 332%...

Cũng theo báo cáo của VASEP, lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 388 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 44%, đóng túi tăng 24%, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 7% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho hay, dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.

Dù ghi nhận những tín hiệu khả quan, nhưng ngành thủy sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024.

“Ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa và những quy hoạch về sử dụng đất cho sản xuất tại nhiều địa phương chưa đồng bộ. Đây là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản. Ngoài ra, nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu”, bà Thu Sắc nhận định.

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) chia sẻ, trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do nguồn cung trong nước không ổn định, khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu.

Đặc biệt, hiện nay, tại thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá đang bước vào giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 20. Trong khi đó, “thẻ vàng” IUU vẫn đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp.

Xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức với xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Do đó, theo ông Trương Đình Hòe, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường.

“Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong ngành hy vọng Việt Nam sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường, đồng thời sẽ được gỡ bỏ thẻ vàng IUU tại thị trường châu Âu. Đây sẽ là những tác động tích cực giúp thúc đẩy việc xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm khởi sắc hơn”, ông Hòe nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến đề nghị, từ nay đến cuối năm 2024, VASEP cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận, mở rộng thị trường, tuân thủ quy định thị trường.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục