Các nhà đầu tư lớn giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư lớn đã cắt giảm phân bổ vào cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi lo ngại suy thoái gia tăng làm dấy lên lo lắng về lợi nhuận của công ty.
Ảnh: Shutterstock Ảnh: Shutterstock

Theo một cuộc khảo sát của Bank of America (BofA) với 259 nhà quản lý quỹ với tài sản kết hợp 722 tỷ USD được công bố vào thứ Ba (19/7) cho thấy, các nhà quản lý quỹ trong tháng này đã giảm vị thế ròng cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008, đồng thời thúc đẩy lượng tiền mặt nắm giữ lên mức cao nhất trong 21 năm là 6,1% tài sản được quản lý.

Kết quả cuộc khảo sát nhấn mạnh rằng, ngay cả sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ - với phong vũ biểu FTSE All-World giảm 21% - nhiều nhà quản lý tài sản vẫn vô cùng lo ngại về thị trường.

Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư tại BofA cho biết, các nhà đầu tư đã đạt đến mức “bi quan nghiêm trọng” khi họ lo lắng rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu có thể gây ra sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Ông nói thêm rằng, có tới 79% các nhà quản lý quỹ dự kiến ​​lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm sút hơn bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch Covid-19 hoặc khi Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008.

Larry Fink, giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cũng đưa ra nhận định tương tự vào tuần trước, khi ông cho biết, lo lắng về tác động của giá năng lượng cao và việc các ngân hàng trung ương tăng nhanh lãi suất đối với tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của công ty đã ảnh hưởng đến cả cổ phiếu và trái phiếu.

Theo cuộc khảo sát, 58% các nhà quản lý quỹ cho biết họ đang chấp nhận mức rủi ro thấp hơn mức bình thường trong danh mục đầu tư của mình với việc phân bổ cho các cổ phiếu phòng thủ của Mỹ như chăm sóc sức khỏe, tiện ích và mặt hàng tiêu dùng, vốn được coi là ít bị tổn thương hơn trong suy thoái kinh tế, đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Trong bốn tuần qua, các nhà quản lý quỹ cũng đã cơ cấu khỏi các cổ phiếu của khu vực đồng euro cũng như các ngân hàng, cổ phiếu năng lượng, vật liệu và hàng hóa và sang các lĩnh vực phòng thủ và trái phiếu.

Theo cuộc khảo sát, hơn 33% các nhà quản lý cho rằng lạm phát vẫn ở mức cao là mối quan tâm lớn nhất của họ, trong khi chỉ dưới 25% xem suy thoái là rủi ro lớn nhất.

Lạm phát tăng vọt khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 1,5% trong năm nay sau khi đã tăng 1,5% trong nửa đầu năm nay.

Fed được coi là khó có thể xoay chuyển khỏi việc thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát "lõi", được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân đang ở mức 4,7% vào tháng 5, giảm bớt trở lại dưới 4%.

Chiến lược gia Hartnett cho rằng, tâm lý nhà đầu tư hiện đang giảm đến mức có thể xảy ra một đợt hồi phục trong ngắn hạn đối với cổ phiếu và tín dụng.

“Bất kỳ đợt tăng điểm nào cũng có thể chỉ là tạm thời. Chất xúc tác cho sự phục hồi bền vững sẽ là sự thay đổi chính sách tiền tệ từ Fed khi Main Street đang chịu thiệt hại cùng với Wall Street. Chúng tôi vẫn còn một khoảng cách so với chỉ số chứng khoán S&P 500 hiện tại để có thể khiến các nhà hoạch định chính sách hoảng sợ và thay đổi hướng đi”, ông nói.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục