Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày đang gặp thách thức chưa từng có tiền lệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời kỳ phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19, nhóm ngành hàng thời trang và đồ gia dụng của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong xuất khẩu, chủ yếu do tình hình lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng suy giảm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày đang gặp thách thức chưa từng có tiền lệ

Theo Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng thời trang bao gồm dệt may và da giày, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm chứng kiến đà sụt giảm tương đối mạnh.

Thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may và da giày Việt Nam là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu lần lượt giảm 22,7% và 32% so với cùng kỳ. Thị trường EU cũng chứng kiến đà giảm tốc xuất khẩu tương tự, khi kim ngạch xuất khẩu da giày giảm 19%, còn dệt may có tín hiệu tích cực hơn khi tăng trưởng 12,3%. Xuất khẩu ngành hàng gỗ và đồ gỗ sang Hoa Kỳ và EU đối mặt với tình trạng thậm chí còn ảm đạm hơn, lần lượt giảm 27% và 40% trong 8 tháng đầu năm 2023.

Thời gian qua, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhóm ngành thời trang, đồ gia dụng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á, hay các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn…, đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Mới đây nhất, thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022 khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước sức ép buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giữ đơn hàng và thị phần.

Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Tiếp đó, vào cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về nhóm ngành hàng này, trong đó Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ. Mặc dù nhóm sản phẩm nói trên hiện vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt thông qua các ưu đãi về thuế quan từ 15 FTA song phương và khu vực hiện có với nhiều đối tác trên thế giới, nhưng nhóm ngành hàng thời trang, nội thất hay gia dụng của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu ra thế giới, chủ yếu do sức tiêu dùng suy giảm đối với nhóm hàng hóa không thiết yếu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, các nước CPTPP... Bên cạnh đó, các thị trường kể trên ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn, đặt ra nhiều nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Để có thể gia tăng sự hiện diện của các mặt hàng thời trang, nội thất và gia dụng vào các hệ thống phân phối nước ngoài, các chuyên gia trong nước và quốc tế đồng loạt chỉ ra rằng, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng chuyển đổi chuỗi sản xuất và cung ứng theo hướng xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, với đặc thù là những ngành hàng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường, do vậy doanh nghiệp trong lĩnh vực cần luôn chủ động, có chiến lược rõ ràng và cập nhật xu hướng thời trang thường xuyên tại các thị trường xuất khẩu.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục