Ngày 13/9, chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm sự kiện, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, thị trường ngành gỗ Việt Nam trong thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trở lại.
Cụ thể, từ tháng 5 đến nay, mỗi tháng, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,2 tỷ USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đạt được 6 tỷ USD nữa, tính tổng cả năm thì sẽ đạt khoảng 14 - 14,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập một lượng lớn gỗ nguyên liệu (khoảng 1,4 tỷ USD), giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Một tín hiệu tích cực nữa là các doanh nghiệp đang tích cực nhập gỗ về, tăng từ 5 - 10%. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguyên liệu cho những đơn hàng cuối năm”, ông Phương nói và cho biết thêm, Việt Nam hiện nay cũng là quốc gia nhập lượng lớn máy móc, trang thiết bị.
Theo ông Phương, từ năm 2018 đến nay, trước sức ép về tiêu chuẩn của các đơn hàng trong khi số lượng công nhân giảm, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên khi so với các nước tiên tiến, dù Việt Nam đứng đầu về việc xuất khẩu nhưng số lượng và chất lượng máy móc trong các nhà máy vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy, Hội chợ VietnamWood 2023 là cơ hội để các doanh nghiệp tham khảo, tìm kiếm thông tin về những thiết bị hiện đại và nguyên liệu cao cấp trong ngành. Với sự góp mặt của 320 doanh nghiệp đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, sự kiện sẽ là nơi trình diễn của các nhà cung cấp máy và công nghệ chế biến gỗ.
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, bên cạnh không gian triển lãm, VietnamWood 2023 còn có sự kiện livestream với chủ đề Latest Technology và chuỗi hội thảo công nghệ gỗ sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính liên quan đến ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay.
Có thể kể đến như: Sản xuất chủ động - Vận hành giản đơn, Nhà máy xanh hướng tới trung hòa Cacbon, Sức khỏe thiết bị - Bảo trì thông minh, EUDR và Chuỗi cung ứng xanh…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Xuân Tân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Cố vấn chuyên môn chuỗi Hội thảo VietnamWood) cho hay, Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khi hàng rào về thuế quan được tháo gỡ.
Tuy nhiên, có một thực tế là khi hàng rào thuế được gỡ xuống thì “hàng rào kỹ thuật” sẽ được dựng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng tốt các FAT thì phải đảm bảo được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đạo đức kinh doanh, các tiêu chuẩn về sản xuất…
“Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào một thị trường trọng điểm trong thời gian ngắn, mà phải đi từng bước. Để làm được điều này thì các doanh nghiệp không được đầu tư một cách nóng vội, tránh rủi ro”, ông Tân nói.
Lãnh đạo Công ty Gỗ Hạnh Phúc chia sẻ thêm, xét về lịch sử thì ngành chế biến gỗ đã có từ rất lâu, nhưng để được gọi là ngành công nghiệp thì phải ứng dụng máy móc vào sản xuất. Song, nếu quá tập trung vào vấn đề thiết bị thì khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được, theo đó các doanh nghiệp phải cập nhật hàng năm.
“Đầu tư là một quyết định rất quan trọng, nếu quyết định đầu tư máy móc chỉ để xử lý những công việc trước mắt thì sau này, khi tiêu chuẩn các đơn hàng nâng cao thì sẽ phải xử lý rất vất vả. Còn nếu đầu tư đón đầu thì rất tốn kém, chính vì vậy, các doanh nghiệp phải xác định được nhu cầu của mình và làm việc với các đơn vị tư vấn để đưa ra chiến lược đầu tư đúng đắn”, ông Tân chia sẻ.