Các công ty dầu mỏ đánh đổi tương lai lấy sự hài lòng của nhà đầu tư

(ĐTCK) Các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới đang tiến hành những đợt cắt giảm chi phí lớn nhất từ trước tới nay, nhằm trấn an các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ đang mạo hiểm sự tăng trưởng trong tương lai của chính mình.
Các công ty dầu mỏ đánh đổi tương lai lấy sự hài lòng của nhà đầu tư

Từ Chevron Corp cho tới Royal Ditch Shell Plc, các nhà sản xuất dầu mỏ đang sa thải hàng nghìn công nhân, hủy bỏ các kế hoạch đầu tư có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận hiện tại. Theo Rystad Energy AS, nhà tư vấn lĩnh vực năng lượng tại Olso, mức cắt giảm chi phí trong toàn ngành đã đạt tới 180 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay, mức lớn nhất kể từ khủng hoảng dầu mỏ năm 1986.

Giám đốc điều hành của BP Plc Bob Dudley cho biết, “ưu tiên hàng đầu” của ông hiện tại là cổ tức cho các cổ đông. Giám đốc tài chính của Chevron Patricia Yarrington cũng phát biểu rằng, Chevron cam kết sẽ tiếp tục tăng cổ tức hàng năm, duy trì kỷ lục trong suốt 27 năm qua.

Mặc dù việc đảm bảo cổ tức làm hài lòng các nhà đầu tư, tuy nhiên, các nhà sản xuất có lẽ đang lặp lại sai lầm như năm 1986 và 1999, khi giá dầu sụt giảm và họ đồng loạt cắt giảm chi tiêu. Điều này khiến các công ty mất rất nhiều năm để có thể xây dựng lại hệ thống ống dẫn nhằm phát triển sản xuất, khi giá dầu tăng trở lại.

“Câu hỏi cần quan tâm là, liệu việc chỉ tập trung vào duy trì lợi nhuận có là chiến lược tối ưu? Họ chỉ nghĩ rằng khi giá dầu giảm thì cần phải cắt giảm chi phí”, Thomas Moore, giám đốc quản lý quỹ tại Standard Life Investment Ltd cho biết.

Exxon Mobil Corp., Shell, Chevron, BP and Total SA trả lời các nhà đầu tư rằng, việc làm trên không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển trong tương lai cũng như mục tiêu sản lượng. Tuy nhiên, điều tương tự diễn ra trong lịch sử lại là mối e ngại lớn đối với các nhà đầu tư.

Chevron là một ví dụ điển hình trong quá khứ. Từ năm 1998 - 1999, khi giá dầu giảm xuống $10/thùng, Công ty đã mạnh tay cắt giảm sản xuất. Sau đó, Chi nhánh Công ty tại Mỹ chỉ có thể bơm 1,99 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2000 và 4 năm sau, sản lượng sản xuất chỉ đạt 1,7 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Shell và Exxon vẫn giữ tốc độ tăng ổn định.

Cắt giảm chi phí và bán bớt các tài sản chính là lý do đằng sau sự suy giảm nay, theo như báo cáo thường niên của Chevron. Ảnh hưởng của chính sách cắt giảm càng lớn hơn khi giá dầu tăng lên, bởi sản lượng không tăng kịp với tốc độ của giá bán.

Thực tế, không khó để hiểu tại sao nhà đầu tư muốn nhiều cổ tức. Khi sản lượng đầu ra của Chevron giảm xuống từ năm 2000 - 2004, cổ tức được chia cao gấp 2 lần so với lợi nhuận mà cổ phiếu của Công ty mang lại trên thị trường chứng khoán.

Bởi vậy, giá dầu giảm, trong khi không muốn ảnh hưởng tới lợi nhuận, việc thắt lưng buộc bụng đương nhiên là cần thiết.

Các hãng sản xuất lớn đã học được bài học từ quá khứ. Họ không sa thải các nhân viên chủ chốt như chuyên gia địa chất và kỹ sư. Các công ty chỉ cắt giảm các nhân viên ít kinh nghiệm hoặc kỹ năng chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí vẫn diễn ra mạnh mẽ. Kể từ đầu năm cho tới nay, Shell đã giảm 19% lượng vốn đầu tư, trong khi BP giảm 17% và Exxon khoảng 12%.


Các công ty dầu mỏ đánh đổi tương lai lấy sự hài lòng của nhà đầu tư ảnh 1

 Lượng vốn đầu tư trong năm 2015 đang ở mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1986

Per Magnus Nysveen, chuyên gia trưởng tại Rystad cho rằng, các công ty dầu mỏ có thể cắt lượng đầu tư xuống thêm 5% - 10% nữa trong năm tới, sau khi giảm khoảng 21% trong năm nay.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục