Các bộ ngành, địa phương xin “trả lại” hơn 7.100 tỷ đồng vốn kế hoạch 2023

0:00 / 0:00
0:00
Dù giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm tích cực hơn năm trước, nhưng vẫn còn tình trạng một số bộ ngành, địa phương xin “trả lại” vốn kế hoạch năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước tới gần 81.000 tỷ đồng Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước tới gần 81.000 tỷ đồng

Giải ngân vốn đầu tư công tích cực, đạt hơn 37,85% kế hoạch năm

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước từ đầu năm tới hết tháng 7/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 267.625 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối.

Cụ thể, cao hơn 3,38 điểm phần trăm về tỷ lệ và cao hơn gần 81.000 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn trong nước là 261.619 tỷ đồng (đạt 38,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 6.006,2 tỷ đồng (đạt 21,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là tháng thứ hai liên tiếp, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 (cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân). Điều này cho thấy các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên cả nước đã phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, trong khi có 8 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì vẫn có 43 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Đặc biệt, qua rà soát, so với khối địa phương, thì các bộ, cơ quan quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá thấp, không có chuyển biến nhiều về tỷ lệ giải ngân qua các tháng.

Cụ thể, trong số 43/51 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, có 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Thậm chí, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như Ủy ban dân tộc (0%), Kiểm toán nhà nước (0%), Hội Nhà báo Việt Nam (0%), Liên minh hợp tác xã (1,03%), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2,5%), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (3%)…

Ngược lại, một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (63,38%), Bộ Quốc phòng (45,15%), Ngân hàng Chính sách xã hội (43,49%), TP. Hải Phòng (73,33%), Đồng Tháp (61,74%), Tiền Giang (60,39%); Tây Ninh (60,04%)…

Giải ngân chậm, xin “trả lại” hơn 7.112 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023

Một thông tin đáng chú ý được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đó là đến ngày 31/7/2023, có 7 địa phương dù đã thực hiện phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 đã được giao nhưng vẫn kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch để điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu.

Số vốn đề nghị giảm là hơn 1.758 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.230 tỷ đồng và vốn nước ngoài là trên 528 tỷ đồng.

Như vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất điều chỉnh giảm là hơn 7.112 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là trên 5.582 và vốn nước ngoài là trên 1.529 tỷ đồng.

Ngược lại, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án. Tổng số vốn đề xuất là hơn 5.093 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước là hơn 4.871 tỷ đồng và vốn nước ngoài là hơn 222 tỷ đồng.

Như vậy, tình trạng “xin trả lại” vốn lại tiếp tục, dù ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, không được để tình trạng này xảy ra, các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ một số bộ ngành, địa phương giải ngân chậm, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm này, khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn chưa được phân bổ chi tiết.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 23,772 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 36.541 tỷ đồng.

Điều này đặt ra áp lực lớn những tháng cuối năm, không chỉ cần phân bổ hết vốn, mà phải thúc đẩy giải ngân. Hiện vẫn còn khoảng hơn 400.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2023 cần phải giải ngân từ nay tới cuối năm.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục