Giải ngân ì ạch
Khoảng 2 km bờ biển từ UBND phường Cẩm An đến An Bàng (TP. Hội An, Quảng Nam) bị xâm thực nghiêm trọng khiến nhiều ngôi nhà, móng, tường các khu du lịch nứt toác, đổ sụp.
Lãnh đạo TP.Hội An cho biết, dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (210 tỷ đồng) đã được phê duyệt, nhưng chưa thấy triển khai, dù người dân kiến nghị nhiều lần.
Dự án sẽ xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng và giữ chân bãi nhân tạo song song, cách bờ 250 - 300 m, với chiều dài khoảng 550 m. Dự án kè chống xói lở bờ biển này là một trong 5 dự án vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ mới giải ngân 6% (hơn 37,3 tỷ đồng).
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam thống kê, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/6/2023 chỉ đạt 20,6%, thấp so cả nước (28,2%). Kế hoạch vốn 2023 chỉ mới giải ngân 19,3% và kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 27,5%.
Theo kế hoạch, đến hết quý III/2023 giải ngân đạt trên 60%, hết quý IV trên 90%. Riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân đạt 100% và đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, ba chương trình mục tiêu quốc gia còn đến 714 tỷ đồng chưa phân bổ, chỉ mới giải ngân 546/2.295 tỷ đồng thì bao giờ mới hoàn thành? Các địa phương khẩn trương phê duyệt, phân bổ hết vốn, có kế hoạch thi công, giải ngân cụ thể.
Riêng dự án 76 trạm y tế có thể tách ra nhiều gói thầu. Công trình nào chưa thực hiện để lại, còn tập trung cho các công trình không điều chỉnh. Ông Quang cho rằng các chủ đầu tư đừng căn cứ vào kế hoạch vốn, chỉ tập trung đẩy mạnh thi công các công trình. Có khối lượng sẽ bổ sung hoặc cấp vốn ngay.
Liên quan đến việc giải ngân, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm cho rằng, một trong những vướng mắc là hồ sơ thủ tục rườm rà, nên cần có chế tài quản lý, siết chặt kỷ cương, ấn định thời gian rõ ràng. Tình trạng lặp đi lặp lại thế này thì đầu tư công sẽ không bao giờ hết vướng.
Thanh tra công tác giải ngân đầu tư công
Tại kỳ họp thứ 15 HĐND khóa X diễn ra mới đây, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, việc chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công có một thực tế hiện nay là một số chủ đầu tư khi không có tiền thì than vãn, còn khi có tiền rồi thì không chịu làm.
Ông Cường cũng đã nhắc đến nguồn vốn thực hiện 76 trạm y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, “tối hậu thư” cho Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trong trường hợp đến cuối năm nay không hoàn thành, nhất định Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ bị điều chuyển.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu đối với một số huyện, thị xã đã có tiền mà tiêu không được, nếu nguồn vốn giải ngân chậm, không đúng thời gian, không quyết liệt, vả lại không được đổ thừa cho vật giá, giá cả..., người đứng đầu cũng phải bị điều đi.
Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành công văn về việc tổ chức thanh tra công tác giải ngân đầu tư công các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022 và 2023 do các Ban quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư (bao gồm từ giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra về công tác nói trên để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Thanh tra tỉnh khi có yêu cầu.
Ngoài ra, để hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các địa phương, không đẩy hoàn toàn trách nhiệm giải phóng mặt bằng về phía địa phương, phải có phương án hỗ trợ cụ thể với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, cần gắn công tác giải ngân với công tác thi đua khen thưởng và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đồng thời, người đứng đầu các địa phương phải xem công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh nếu các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn do mình quản lý bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, vốn đầu tư lớn, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tổ chức, cá nhân liên quan.