Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) tăng 9,94%, đứng thứ 3 cả nước. Một số chỉ tiêu kinh tế như: chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, khách du lịch… tăng trưởng khá. Đặc biệt, thu hút đầu tư FDI của thành phố đạt 1,98 tỷ USD, hoàn thành 99% kế hoạch năm; giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng đứng trong TOP đầu cả nước.
Tại Hội nghị lần thứ 12 của Thành ủy Hải Phòng mới đây, bàn về những giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố trong những tháng cuối năm, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Ban cán sự Đảng, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chủ đề năm 2023 “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. Tập trung hoàn thành Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương.
“Hải Phòng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay - Giai đoạn 2 và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi... Chúng ta quyết tâm khởi công vào quý IV/2023 và hoàn thành năm 2024 như chỉ đạo của Thủ tướng; xúc tiến triển khai việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố, gắn với nghiên cứu, quy hoạch hệ thống cảng biển Nam Đồ Sơn, trước năm 2025”, ông Châu nhấn mạnh.
TP. Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, nằm giữa 2 hành lang quan trọng (Trung Quốc - Hải Phòng - Hà Nội và từ Côn Minh qua Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng); có cảng biển quan trọng và có đầy đủ 5 phương thức vận tải giao thông. Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, với vị thế chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu, định hướng là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Phối cảnh nhà ga hành khách T2 sân bay Cát Bi |
Đặc biệt, theo dự thảo Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn gắn với việc thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng và kết nối đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng. Việc sớm khởi công các dự án trọng điểm về cảng biển, nhà ga quốc tế vào quý IV/2023 sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả khai thác, thúc đẩy kinh tế của thành phố.
Theo báo cáo Quy hoạch TP. Hải Phòng xác định mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã giải ngân đạt khoảng 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, bằng 35,13% kế hoạch HĐND Thành phố giao (22.770 tỷ đồng), bằng 59,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403,337 tỷ đồng).