Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang để mắt đến các lựa chọn năng lượng sạch hơn để vận hành các trung tâm dữ liệu sử dụng nhiều năng lượng.
Nhiều công ty đang hướng đến các lò phản ứng môđun nhỏ (SMR), đây là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất bằng khoảng 1/3 công suất phát điện của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống.
SMR chỉ bằng một phần nhỏ kích thước của các lò phản ứng hạt nhân thông thường và có thể được lắp ráp tại nhà máy và vận chuyển đến nơi khác để lắp đặt. Một số chuyên gia cho biết, các lò SMR này cũng hiệu quả hơn tới 8% so với các lò phản ứng truyền thống.
David Brown, Giám đốc Energy Transition Practice tại công ty cung cấp dịch vụ phân tích toàn cầu Wood Mackenzie cho biết: "Mức tăng hiệu quả đó chính xác là những gì thế giới cần để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cũng hiện thực hóa quỹ đạo phát thải ròng bằng 0… Đó là một sự thay đổi quan trọng đối với ngành mà chúng tôi tin rằng sẽ đóng vai trò rất nổi bật trong các cuộc thảo luận với chính phủ và những bên mua tiềm năng”.
Một giải pháp thay thế không carbon
Theo các chuyên gia, nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu được thúc đẩy bởi điện toán trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm khoảng 8% nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2050.
Điều này sẽ khiến việc loại bỏ dần các nhà máy nhiên liệu hóa thạch trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi các trung tâm dữ liệu cần nguồn điện ổn định liên tục.
Nhiều người cũng tin rằng, năng lượng hạt nhân có thể giúp thu hẹp khoảng cách đó vì đây là giải pháp thay thế sạch hơn và không có carbon.
Google đã ký một thỏa thuận với công ty khởi nghiệp về điện hạt nhân Kairos Power vào năm ngoái để xây dựng SMR. Trong thỏa thuận được gọi là "đầu tiên trên thế giới", Google đã đặt hàng 6-7 SMR từ Kairos Power, với lò đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2030 và còn lại vào năm 2035.
Công cụ tìm kiếm và công ty điện toán đám mây thuộc sở hữu của Alphabet cũng cho biết, hạt nhân cung cấp "nguồn điện sạch, hoạt động suốt ngày đêm có thể giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu điện một cách đáng tin cậy".
Microsoft và Amazon gần đây cũng đã thực hiện các khoản đầu tư tương tự. Vào tháng 3, Amazon đã mua một trung tâm dữ liệu cũng ở Pennsylvania được cung cấp năng lượng bằng năng lượng hạt nhân.
Tháng 9 vừa qua, Microsoft đã ký một thỏa thuận để khôi phục một đơn vị của nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania. Đây là nơi từng xảy ra sự cố tan chảy lò phản ứng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.
Đầu tháng này, tờ Financial Times đưa tin rằng kế hoạch của Meta nhằm xây dựng một trung tâm AI chạy bằng năng lượng hạt nhân đã bị cản trở một phần do một loài ong quý hiếm trên mảnh đất nơi dự án được lên kế hoạch.
Tâm thế lưỡng lự
Tuy nhiên, một số người vẫn còn do dự về công nghệ điện hạt nhân mặc dù lĩnh vực này đã có những tiến bộ.
Các sự cố như thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986 ở Ukraine, thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 và sự cố tan chảy một phần lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island năm 1979 đã làm tổn hại đến lòng tin của người dân.
Mặt khác, nó cũng làm dấy lên mối lo ngại lâu nay về chất thải hạt nhân.
“Không có cách nào - cho dù đó là lò phản ứng tiên tiến hay lò phản ứng môđun nhỏ, hay lò phản ứng làm mát bằng nước hay làm mát bằng natri - có thể tránh được việc tạo ra chất thải hạt nhân lâu dài, gây chết người với mỗi kilowatt giờ điện được tạo ra”, Diane D'Arrigo, Giám đốc dự án chất thải phóng xạ tại tổ chức phi lợi nhuận Nuclear Information and Resource Service cho biết.
Bất chấp những lo ngại đó, năng lượng hạt nhân hiện đang nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Nó đóng vai trò lớn trong các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide, trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây đã lên tiếng ủng hộ các SMR như những SMR mà Google đã đưa vào sử dụng.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, chẳng hạn như quản lý các mối quan ngại về môi trường, nhưng hiện tại đang có nhiều hy vọng rằng năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò hàng đầu trong tương lai AI không phát thải carbon.