Bước tiến lớn trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022 là năm chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội từ trước tới nay.
Bước tiến lớn trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số 2022: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức chiều ngày 16/2/2023.

Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp triển khai, cung cấp một bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình và xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam.

Với khoảng 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo;… kết quả khảo sát cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hành trình chuyển đổi số so với năm 2021.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều với khoảng 40% có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp chuyển đổi số. Trong khi đó, có đến 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.

Vấn đề này, theo nhóm nghiên cứu và phân tích của Cục Phát triển doanh nghiệp ở vấn đề về nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.

Nhìn chung, trong số các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến hơn trước đây do sự hỗ trợ và tham gia đắc lực của nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki…) và các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo và gần đây là Tiktok), từ đó tạo hệ thống bán hàng đa kênh.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn khá rời rạc, chưa có sự kết nối mang tính đồng bộ giữa các khâu vận chuyển hàng hóa, quản lý kho hàng, bán hàng, quản lý nhân hay các nghiệp vụ kế toán. Thực tế, chỉ có khoảng 20 – 30% doanh nghiệp được khảo sát là có ứng dụng công nghệ số trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên.

Trong 7 khía cạnh của các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số tại Việt Nam, Định hướng chiến lược cho việc chuyển đổi số, con người và tổ chức và Trải nghiệm khách hàng là 3 khía cạnh có mức độ chuyển đổi số tốt nhất, lần lượt đạt 3.1, 2.9 và 2.9. Trong khi đó, nghiệp vụ quản lý tài chính - kế toán - kế hoạch - pháp lý - nhân sự đạt mức 2.8. Đối với Chuỗi cung ứng và Hệ thống CNTT & quản trị dữ liệu có mức độ chuyển đổi số tương đương nhau là 2.7 và 2.6

Trong khi đó, thấp nhất vẫn là quản lý rủi ro và an ninh mạng khi chỉ đạt ở mức thấp 2.4, là khía cạnh đáng quan tâm.

So về các ngành, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất là ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức điểm 3.0, sau đó là Bán buôn, bán lẻ; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy…ở mức 2.0, tiếp theo là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức 2.8

Điểm đáng chú ý, ngành vận tải và logistics lại có mức chuyển đổi số thấp chỉ 2.6 và ngành giáo dục đào tạo là 2.3.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục