Hành trình của "những người hùng số"

0:00 / 0:00
0:00
Họ là những người tiên phong, có tầm nhìn xa, có tinh thần đổi mới quyết liệt, đã vượt qua nhiều sóng gió để đưa Internet về Việt Nam hơn 25 năm trước, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội…
Ông Mai Liêm Trực (thứ tư từ trái sang), ông Vũ Hoàng Liên (thứ tư từ phải sang) - những người được đánh giá là có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển Internet tại Việt Nam giai đoạn 1997-2017, trong Lễ kỷ niệm 25 năm Internet tại Việt Nam, tháng 12/2022 Ông Mai Liêm Trực (thứ tư từ trái sang), ông Vũ Hoàng Liên (thứ tư từ phải sang) - những người được đánh giá là có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển Internet tại Việt Nam giai đoạn 1997-2017, trong Lễ kỷ niệm 25 năm Internet tại Việt Nam, tháng 12/2022

Từ những thử nghiệm đầu tiên...

Năm 1991, Tim Berners Lee ở Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (Cern) phát minh ra World Wide Web (www) dựa theo một ý tưởng về siêu văn bản được Ted Nelson đưa ra từ năm 1985. Internet được thử nghiệm, áp dụng ban đầu tại các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam khi đó, hầu như chưa ai biết về “công trình vĩ đại nhất lịch sử nhân loại” này.

Cũng trong năm 1991, TS. Mai Liêm Trực, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện sang Mỹ dự Hội nghị quốc tế về Thông tin vệ tinh. Lúc đó, Mỹ đang cấm vận, Việt Nam như một “ốc đảo”, thậm chí, visa cấp cho đoàn Việt Nam kèm yêu cầu “không được đi cách Nhà Trắng 35 dặm”.

Dự Hội nghị, ông Trực thấy văn phòng các đoàn gõ tài liệu vào máy tính, rồi dùng đường dây điện thoại truyền thư đi. Trong khi đó, ở Việt Nam, muốn chuyển một bức thư đi vùng sâu, vùng xa phải mất hàng tuần. Ông Trực mê mẩn, đeo bám các đoàn tìm hiểu kỹ và rất muốn đưa Internet về Việt Nam.

Với tầm nhìn xa, ông Trực đã nghĩ rằng, đất nước sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu không có Internet. Internet sẽ như một cánh cửa, một phương thức để Việt Nam vượt ra khỏi tình trạng bị cô lập và hội nhập với thế giới để không bị tụt hậu.

Nhưng, muốn đưa Internet vào Việt Nam phải có 3 điều kiện: có mạng điện thoại tự động kết nối trong nước và quốc tế; nguồn nhân lực, doanh nghiệp hiểu được công nghệ Internet để tổ chức khai thác kinh doanh, cung cấp dịch vụ cho xã hội; quan trọng nhất là phải được lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho phép mở mạng Internet. Đó là thử thách lớn trong bối cảnh Việt Nam vừa bắt đầu đổi mới.

Cùng năm 1991, ông Trần Bá Thái, Chủ tịch NetNam, người từng được Tuần báo Á châu (Asia Week) bình chọn là “Người hùng kỹ thuật số” (Digital Hero), lúc đó đang công tác ở Viện Khoa học Việt Nam, đã bỏ tiền túi tham dự cuộc họp Internet quốc tế ở Kobe (Nhật Bản).

Trở về nước, ông Thái và đồng sự đã được thử nghiệm Internet với một trường đại học của Đức trong khuôn khổ dự án của UNDP. Họ làm những bước đầu tiên của việc xây dựng hạ tầng Internet, như xây dựng account, thử nghiệm các công nghệ cơ bản. Lúc đó, chưa có tên miền Việt Nam, nhưng đã phải thử nghiệm email trên máy chủ của trường đại học Đức, dựa trên công nghệ nền của Unix.

Vì chưa có modem, nên tốc độ kết nối Internet rất chậm. Khi thử nghiệm với Đức, họ chưa làm được, vì đó là dự án Internet, chưa có khoản ngân sách chi cho việc này.

“Tiền đề tài nghiên cứu của tôi từ các dự án khác gom góp được hơn 10 triệu đồng đem ‘nướng’ hết vào nghiên cứu nối thử Internet đi Đức trong vòng một tuần. Sau đó hết kinh phí, nên việc nghiên cứu Internet dừng lại để tiếp tục tìm kiếm nguồn kinh phí khác”, ông Thái bồi hồi nhớ lại.

Thời điểm này, GS. Rob Hurle (Trường đại học Quốc gia Australia - ANU) sang Việt Nam với hành trang là modem “to đùng” tặng sinh viên với mong muốn các cựu sinh viên có thể kết nối với thế giới sau khi đi học về nước. Lúc đó, 1 phút gọi sang Australia là 5 USD, trong khi lương kỹ sư chỉ có 20 USD/tháng.

Vài tháng sau, qua giới thiệu của một người bạn, GS. Rob Hurle liên lạc được với ông Trần Bá Thái và cùng bắt tay khởi động lại việc thử nghiệm kết nối Internet.

“Lúc này, tại ANU, chúng tôi đã thực hiện những thay đổi quan trọng làm thay đổi hệ thống máy tính lớn, các máy tính ở ANU đã được thay bằng máy nhỏ, nhưng có cấu hình cao hơn, chạy bằng hệ thống Unix. Tôi bàn với ông Thái và một vài người bạn thực hiện thí nghiệm liên lạc tới Việt Nam từ Australia. Tôi viết thêm một vài phần mềm cho hệ thống Unix nhằm kết nối modem để liên lạc với Việt Nam. Từ Việt Nam, các bạn sẽ truy cập vào hệ thống Unix và kết nối được với Internet”, GS. Rob Hurle hồi tưởng.

Còn ở phía Việt Nam, ông Thái và đồng sự mua phần mềm Shareware có mã nguồn mở về tự phát triển cho chạy trên Dos nối với máy chủ Unix của ANU để tạo phần mềm cho người sử dụng cuối cùng.

Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của ông Thái và GS. Rob Hurle tạo tài khoản, thử nghiệm với tên miền của Australia, vì tên miền quốc gia của Việt Nam “.vn” chưa được đăng ký trên Internet. Email đầu tiên lập ở Australia là hanoi@coombs.anu.edu.au, được dùng như một thùng thư đầu mối cho toàn bộ email liên lạc giữa Việt Nam và thế giới. Mỗi người sử dụng ở Việt Nam được tạo một địa chỉ email mang tên miền Việt Nam theo dạng username@hanoi.ac.vn. Khi chuyển sang Australia, những địa chỉ này được gắn dưới đuôi coombs.anu.edu.au để thông thương quốc tế.

Thử nghiệm thành công, mở đường cho những trải nghiệm đầu tiên sử dụng Internet của người Việt: có hộp thư điện tử riêng, tuy vẫn phải dùng đuôi “.au” của Australia.

Tháng 3/1993, Telstra (Australia) mở cuộc hội thảo tại Hà Nội. Đó cũng là lần đầu tiên ông Thái và GS. Rob Hurle gặp nhau, cùng bàn bạc cần làm gì để phát triển Internet.

“Có 2 lý do tôi muốn làm việc này. Thứ nhất, tôi cảm thấy có lỗi khi đất nước tôi tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi muốn làm điều gì đó để ‘chuộc lỗi’, giúp Việt Nam kết nối với thế giới. Thứ hai, các học sinh Việt Nam hiếu học của tôi khi học xong ở Australia về nước ít có cơ hội sử dụng các kiến thức họ học được, tôi muốn giúp họ”, GS. Rob Hurle chia sẻ.

Còn ông Trần Bá Thái thì thẳng thắn cho rằng, việc tìm kiếm con đường đưa Internet vào Việt Nam không phải điều gì quá cao siêu, mà chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tế. Ở trong nước, chúng ta có đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã từng tiếp xúc, từng biết về Internet và mong mỏi có Internet ở Việt Nam. Đó cũng là thời điểm Việt Nam đang bị cô lập với thế giới, đang nghèo và khó khăn, cần tìm kiếm cơ hội mở cánh cửa hội nhập. Mặt khác, tại Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia nước ngoài làm việc, họ có nhu cầu thông tin liên lạc mà họ đã quen và cần sử dụng. Trong đó, có nhiều người hiểu và giỏi công nghệ thông tin (CNTT), sẵn sàng tham gia đóng góp công sức, kết hợp với sự hỗ trợ từ các trường đại học, các nhóm CNTT trong nước.

Từ năm 1994, ngoài mạng VAREnet (Vietnam Academic Research & Educational Network) của ông Thái và GS. Rob Hurle, các nhóm nghiên cứu thử nghiệm Internet khác cũng đạt được nhiều kết quả như: Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường liên kết với mạng Toolnet của Hà Lan vào năm 1994; Trung tâm Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TP.HCM liên kết với nút mạng ở Singapore vào năm 1995 với tên gọi là mạng HCMCNET; Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc VNPT tại 2 địa điểm Hà Nội và TP.HCM thông qua 2 cổng quốc tế 64 kB/s kết nối Internet Sprintlink (Mỹ) vào năm 1996...

Đến email đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tháng 4/1994, ông Thái được GS. Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường giao nhiệm vụ thiết lập email phục vụ chuyến viếng thăm của Thủ tướng Thụy Điển.

GS. Đặng Hữu ký quyết định cho nhóm chuyên gia của Viện CNTT mượn hẳn chiếc Volga phục vụ việc đi lại tiến hành thiết lập email, nhưng nhóm không nhận bất cứ hỗ trợ gì ngoài sự cho phép mở hệ thống email. Ông Thái đã bỏ tiền túi mua một chiếc laptop cũ đen trắng nặng khoảng 3 - 4 kg của một Việt kiều ở Mỹ mang về.

Thời điểm đó, Internet vẫn là khái niệm xa lạ, nên để có tên miền Việt Nam (.vn), GS. Trần Văn Đắc (Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường) phải ký công văn (không đóng dấu) rồi fax sang Trung tâm Mạng lưới thông tin châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) để đăng ký tên miền. Sau khi có địa chỉ tên miền, ông Thái mới tạo lập email server đầu tiên có tên miền Việt Nam.

“Chúng tôi chưa có kinh nghiệm về tên miền, nên lấy địa chỉ email của Thủ tướng là vvkiet@badinh.ac.vn. Trước đó, chúng tôi đã trao đổi với Ban Thư ký của Thủ tướng, tìm ra một cái tên ‘badinh’ chung chung và có hình ảnh nơi làm việc của Chính phủ. Địa chỉ vvkiet@badinh.gov.vn cũng được thử, nhưng bị lạc thư, nên đành phải chuyển lại địa chỉ vvkiet@badinh.ac.vn”, ông Thái kể.

Quá trình thử email rất phức tạp, phải thử kết nối cả với nhóm thư ký của Thủ tướng Thụy Điển. Khi nối xong, bắt đầu nhận email thì đúng dịp lễ Phục sinh, nên nhóm thư ký này nghỉ lễ. Liệu tiến độ công việc có kịp cho hai nguyên thủ quốc gia “gặp nhau” qua email trước khi chính thức gặp mặt hay không? Sau lễ Phục sinh, Thủ tướng Thụy Điển sẽ thăm Việt Nam và như vậy, việc chuẩn bị thiết lập thư điện tử xem như “phá sản”.

“Thế nhưng, điều tưởng là ‘sự cố’ thì hóa ra lại thuận lợi, bởi nhóm thư ký vẫn làm việc ở nhà. Ngay sau đó, tiếp tục diễn ra việc thử nghiệm gửi và nhận email, rồi cài thẳng phần mềm nhận thư vào laptop của Ban Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, ông Thái hồi tưởng.

Nhớ lại sự kiện khi đó, ông Đặng Thế Truyền, nguyên Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể: “Buổi sáng hôm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng anh Thái và một số cán bộ vào phòng làm việc của tôi ở ngôi nhà 2 tầng bên ngoài cổng chính của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (sau là Văn phòng Chính phủ), nơi đặt chiếc máy tính của chúng tôi. Anh Thái thực hiện thao tác kỹ thuật, rồi nói tôi đánh mấy dòng ngắn bằng tiếng Anh lời chào của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới Thủ tướng Thụy Điển. Sau đó, anh Thái chỉ nút ‘Enter’ và mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt gõ vào nút đó. Vậy là xong. Khi đó, tôi chưa có khái niệm gì về email. Tôi nhớ, mọi việc diễn ra khá nhanh. Thủ tướng và mọi người rời văn phòng”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam có địa chỉ email. Thủ tướng đã dùng email để trao đổi với Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển đến Việt Nam và trở thành vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước đang phát triển sử dụng email để trao đổi chính thức với nguyên thủ quốc gia khác.

“Email đầu tiên được Thủ tướng sử dụng mang tính biểu trưng rất cao, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo cấp cao, truyền cảm hứng cho rất nhiều người và cũng làm chúng tôi bớt sợ”, ông Thái cười và nói.

Khi nghiên cứu, thử nghiệm đưa Internet về Việt Nam, ông Trần Bá Thái đang là Kỹ sư trưởng một dự án của Liên hiệp quốc về CNTT. Công việc và điều kiện tiếp xúc đã sớm giúp ông nhận thức được sức mạnh của Internet. Nhưng theo ông, điều may mắn nhất là Viện Khoa học Việt Nam có sự “nới lỏng” nhất định, các lãnh đạo Viện như GS - Viện sĩ Đặng Vũ Minh, GS. Bạch Hưng Khang, GS. Nguyễn Mạnh Tuấn là những người cấp tiến, sẵn sàng chia sẻ, thúc đẩy sự ham muốn khám phá Internet. Yếu tố trong nước cộng với yếu tố nước ngoài, nhân lực, nguồn lực và những nhà lãnh đạo có tầm nhìn đã giúp Viện Khoa học Việt Nam, đi đầu là Viện CNTT, thành công trong bước đầu khai thông Internet.

Internet thử nghiệm thành công, kết nối được với thế giới, nhưng để “khai sinh” Internet, cho Internet hoạt động tại Việt Nam lại là một hành trình không kém phần chông gai…

Và… “”cược ghế”” để kết nối Internet

Đến năm 1995, Việt Nam đã số hóa, tự động hóa hoàn toàn mạng viễn thông cả nước bằng các tổng đài điện tử kỹ thuật số, các đường truyền cáp quang, viba số. Đó là cơ sở quan trọng nhất để đưa Internet vào Việt Nam. Mặt khác, công nghệ Internet cũng không quá phức tạp, đầu tư cũng không lớn. Trong khi đó, thử nghiệm của Viện CNTT, VDC, FPT… đã chín muồi. Vấn đề còn lại chỉ là xin phép Chính phủ đồng ý cho Việt Nam tham gia mạng Internet toàn cầu.

“Tôi nhớ, năm 1996, Thái Lan vừa khai trương Internet, tôi có dự một hội nghị quốc tế ở quốc gia này. Khi chia tay tạm biệt tôi, họ nói là ‘See you on Internet’, chứ không nói là ‘See you again’. Mình cũng sốt ruột, vì họ đã có Internet và mình cũng mong mình có. Mở Internet là một cơ hội lớn, không thể bỏ lỡ. Nhưng không hề đơn giản…”, TS. Mai Liêm Trực nhớ lại.

Giới hạn về công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực còn có thể khắc phục được, nhưng đó chưa phải là thách thức lớn nhất. Thách thức lớn nhất lúc đó chính là rào cản về tư duy, về nỗi sợ hãi “mở cửa là mất” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo.

“Trong cuộc chuẩn bị đưa Internet vào Việt Nam, những người chưa muốn mở cửa cho Internet có 3 lo ngại về tác hại có thể xảy ra. Thứ nhất, sợ lộ bí mật nhà nước. Đây là điều dễ hiểu, vì đất nước ta trải qua liên tiếp mấy cuộc chiến tranh dài, nên còn nhiều ý kiến lo ngại, muốn bảo vệ đất nước, thấy cần phải quản lý chặt chẽ, sợ lộ bí mật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Thứ hai, là ý kiến lo lắng phát tán thông tin nói xấu chế độ, lãnh đạo. Thứ ba, là lo ngại ảnh hưởng của văn hóa đồi trụy… Lúc đó, trong nước, chúng ta chưa biết nhiều về Internet, nhiều thứ chỉ là nghe nói, nhưng càng chưa biết rõ ràng, thì càng có tâm lý lo ngại”, ông Trực cho biết.

Không còn cách nào khác, ông Trực cùng các đồng sự của mình đã kiên trì thuyết phục, giải trình với lãnh đạo cấp cao suốt 3 năm. Họ đã tìm cách “hạ nhiệt” các vấn đề lo ngại của lãnh đạo cấp cao về những tác hại có thể xảy ra nếu cho Internet vào Việt Nam. Họ cũng khẳng định một cách trung thực là, đưa Internet vào Việt Nam không thể hạn chế tuyệt đối những vấn đề mặt trái, nhưng sẽ phải có giải pháp hạn chế tối đa những tiêu cực đó.

Thuyết phục để các nhà lãnh đạo thấy, mở cửa cho Internet là cái lợi phải lớn hơn cái hại, có lợi rất lớn đối với việc phát triển đất nước. Những lợi ích được nêu ra là đất nước đang mở cửa, bắt đầu hội nhập, phát triển thương mại, thì phải có Internet để giao thương với thế giới và thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm ăn. Có Internet cũng sẽ tăng đáng kể thông tin đối ngoại, quảng bá về đất nước với thế giới…

Thời điểm đó, may mắn là sức ép về hội nhập quốc tế đang tăng nhanh. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Nếu còn đóng cửa với Internet thì rõ ràng Việt Nam không thể hội nhập.

“Tháng 8/1997, chúng tôi gồm anh Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và anh Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lên báo cáo Thường trực Bộ Chính trị, cụ Lê Khả Phiêu. Cụ hỏi rất nhiều: Intetnet có khiến lộ bí mật Nhà nước không, quản lý thế nào, có cách nào chặn được hết không?... Tôi mạnh dạn trình bày: Xin báo cáo đồng chí là không thể nào ngăn được hết. Nhưng chúng tôi đã xây dựng các giải pháp quản lý chặt chẽ. Có 3 giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực của Internet. Về kỹ thuật thì có ‘tường lửa’, tiếp đến là giải pháp về hành chính, pháp lý và tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục để nâng cao dân trí lên, để người ta chọn cái hay, cái đẹp. Nghe xong, cụ Phiêu nói: Nghe các cậu báo cáo cũng hay đấy! Thôi sang báo cáo Thủ tướng”, ông Trực nhớ lại.

Ông kể tiếp: “Chúng tôi sang báo cáo Thủ tướng tại nhà riêng. Thủ tướng dặn dò: Thường vụ Bộ Chính trị đã ủng hộ, thì Thủ tướng ủng hộ thôi. Nhưng các cậu nói được là làm được nha! Khi tiễn tôi ra đến cổng, Thủ tướng quàng tay lên vai tôi, vỗ vỗ, bảo: Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt, chứ nếu mở ra mà phải đóng lại, thì không biết phải ăn nói với thế giới thế nào”.

Thời điểm đó, có lẽ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đặt niềm tin vào một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hơn là những căn cứ thuyết phục về kỹ thuật, công nghệ mà họ đưa ra.

“Tôi có may mắn là có sự tin cậy, nên đã dám nói một cách mạnh mẽ và tự tin chịu trách nhiệm để thuyết phục mở Internet mà không sợ có sự hiểu lầm. Tôi thấm nhuần câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nếu làm việc mà cứ cúi nhìn vào ‘chân ghế’, thì chẳng làm được việc gì cả”. Thế nên, lúc đó, chúng tôi cũng xác định, nếu mở Internet mà có việc gì xảy ra, thì sẽ phải là người lãnh trách nhiệm và chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những trách nhiệm này”, ông Trực khẳng định.

Ngày 19/11/1997 là ngày lịch sử của Internet Việt Nam. Tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, thay mặt Ủy ban Điều phối quốc gia về Internet Việt Nam, ông Mai Liêm Trực, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã tổ chức họp báo quốc tế, công bố Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu.

“Tâm trạng tôi lúc đó rất mừng, vì cả một thời cơ lớn đã không bị mất đi và đất nước từ nay đã có phương tiện để thay đổi. Tôi còn mừng vì công sức của bao nhiêu anh em lâu nay mong muốn đưa Internet vào Việt Nam đã thành hiện thực. Lúc bấy giờ xen lẫn vui mừng, tôi cũng rất tự tin, nên khi tổ chức họp báo với các hãng thông tấn nước ngoài, tôi hứng khởi nói bằng tiếng Anh để khi các hãng tin này phát ra trên thế giới không bị tam sao thất bản do phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh”, ông Trực mỉm cười hóm hỉnh.

Internet đã kết nối với thế giới, nhưng khi đó chưa thực sự được cởi trói do quan điểm “quản đến đâu, mở đến đấy”.

“Để phát triển mạnh Internet, thứ nhất, phải thuyết phục lãnh đạo cấp cao; thứ hai, là thuyết phục cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thông tin. Phải làm sao đưa quan điểm ‘năng lực quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển’, thay quan điểm cũ thì mới ‘cởi trói’ được cho Internet”, ông Trực nói.

Sau quá trình thuyết phục bền bỉ, đến tháng 10/2000, quan điểm mới đã thế chỗ quan điểm cũ. Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ra đời, tạo đà phát triển nhanh và mạnh cho Internet sau này.

Sau 25 năm “nhấn nút” kết nối Internet toàn cầu, Internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam. Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company dự báo, tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mức 57 tỷ USD.

Trải qua 25 năm phát triển, Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, tức là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Việt Nam phát triển mạnh mẽ, toàn diện như ngày hôm nay là kết quả của gần 4 thập kỷ đổi mới. Trong đó, đổi mới ngành viễn thông là tiên phong, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế. Lịch sử ghi nhận và biết ơn những người có tầm nhìn xa, có tinh thần đổi mới quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đổi mới viễn thông - CNTT, đưa Internet về Việt Nam, họ xứng đáng được gọi là “người hùng Internet” của Việt Nam.

Top 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển Internet tại Việt Nam 1997 - 2007

(do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam bình chọn, năm 2007)

1. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện

2. Ông Trần Bá Thái, Giám đốc Công ty NetNam

3. Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC)

4. GS. Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo công nghệ thông tin của cơ quan Đảng

5. Ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

6. Ông Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam

7. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT

8. Ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông)

9. Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)

10. Ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ

Top 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển Internet tại Việt Nam 2007 - 2017

(do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin, Hiệp hội Internet Việt Nam bình chọn, năm 2017)

1. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

2. Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

3. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet Việt Nam

4. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel

5. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT VNPT

6. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT

7. Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VNG

8. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC

9. Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT Bkav

10. Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpress

Hà Thái Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục