Liên tiếp Data Center ra đời
Năm 2022, tại Việt Nam đã chứng kiến cuộc đua đầu tư xây dựng Data Center giữa các doanh nghiệp công nghệ.
Cuối năm 2022, VNG đưa vào khai thác Data Center thứ 2 tại Tân Thuận có quy mô 7.800 m2, diện tích sàn sử dụng 12.400 m2. VNG Data Center sẽ cung cấp 410 tủ rack (tủ lắp đặt servers), sau đó sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ rack.
Trước đó, tháng 10/2022, Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud có hạ tầng Data Center nhiều nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 tủ rack, trên 60.000 m2 mặt sàn. Viettel cho biết, sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 tủ rack vào năm 2025. Lộ trình tới năm 2030, mức đầu tư sẽ được nâng lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 tủ rack...
Vào tháng 8/2022, cũng tại Tân Thuận, Tập đoàn CMC đã khai trương Data Center Tân Thuận, có diện tích sàn sử dụng 12.000 m2 và xấp xỉ 3.000 m2 không gian dành cho thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) với quy mô 1.200 tủ rack, có tổng công suất thiết kế lớn tới 12.000 kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU.
Bên cạnh đó, các ông lớn công nghệ tại Việt Nam như VNPT đang sở hữu 8 Data Center đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… đạt chuẩn phòng máy chủ Tier 3. Hay như FPT đang có 3 Data Center lớn và sắp đưa vào vận hành Data Center 20.000 m2, cung cấp 3.600 tủ rack tại TP.HCM; MobiFone sẽ xây Data Center tại Hòa Lạc…
Như vậy, đến hết năm 2022, Việt Nam đã có khoảng 30 Data Center của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, đi vào hoạt động với doanh thu gần 5.000 tỷ đồng/năm. Theo đó, miền Bắc chiếm hơn 46%, miền Nam chiếm hơn 35% và miền Trung chiếm hơn 18%. Thị phần điện toán đám mây hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 20% thị phần.
Hiện có nhiều nhà đầu tư công nghệ và viễn thông đến từ châu Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản có nhu cầu thuê đất hoặc thuê tòa nhà để xây dựng, phát triển các Data Center tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 10.000 - 30.000 m2 xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Công ty nghiên cứu thị trường quốc tế ResearchAndMarkets đánh giá, Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi toàn cầu, đạt doanh thu khoảng 858 triệu USD (tương đương 20.000 tỷ đồng) trong năm 2020, dự đoán mức tăng trưởng kép hàng năm gần 15% cho đến năm 2026.
Vì sao đua nhau đầu tư vào Data Center?
Có nhiều lý do xuất hiện làn sóng đầu tư Data Center tại Việt Nam thời gian qua. Đó là việc Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 quy định, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng Việt Nam trong nước, nên hàng loạt ông lớn xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple… phải thuê máy chủ tại Việt Nam.
Cùng với đó, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia; thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ, các doanh nghiệp điện toán đám mây và công nghệ tài chính (fintech) đang phát triển…
Chuyên gia công nghệ Vũ Minh Trí nhận xét, cơ hội lớn đang mở ra với doanh nghiệp Việt, khi có tới 80% tổ chức đang sử dụng dịch vụ công nghệ đám mây của các “ông lớn” nước ngoài. Dư địa của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn và sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng, đặt các Data Center, tăng cường một số dịch vụ tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của Luật An ninh mạng.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất là Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ, nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu tăng cao. Trong định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan sử dụng điện toán đám mây, trong đó 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt cung cấp. Đây là cơ sở để doanh nghiệp Việt mạnh tay đầu tư cho Data Center.
Còn theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, Việt Nam đang xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và cần có những trung tâm dữ liệu lớn để đặt máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu… Đây cũng là nhu cầu tất yếu khi các doanh nghiệp phải dịch chuyển lên điện toán đám mây.
“Cùng với các Data Center, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái dịch vụ và công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh chính sách và quy hoạch các khu vực dành cho Data Center. Ngoài ra, chúng ta phải đầu tư thêm các tuyến cáp biển trong nước và quốc tế, bởi hiện nay, số lượng tuyến cáp ở Việt Nam đang ít hơn so với các nước Malaysia, Philippines…”, ông Tú đề xuất.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật Viettel IDC cũng nhận xét, rào cản lớn cho các nhà cung cấp Data Center là cơ chế chính sách vẫn chưa được đẩy nhanh, dẫn đến việc ban hành luật, nghị định, thông tư hướng dẫn chưa thực sự đầy đủ, sát sao.
“Thực trạng về nguồn tài nguyên điện cũng là thách thức thứ hai đối với thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng điện ngày một nhiều, trong khi điện là một trong những yếu tố không thể thiếu trong dữ liệu. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng của các trung tâm dữ liệu không được đảm bảo”, ông Tuấn chỉ rõ.
Ông Vũ Minh Trí bổ sung, ngoài hành lang pháp lý rõ ràng và phải đi trước công nghệ, thì phải chú trọng hài hòa bảo đảm an ninh mạng và khuyến khích những doanh nghiệp đến hoạt động, đặt máy chủ lưu trữ ở những trung tâm này.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Với thông điệp đó, năm 2023 được dự báo sẽ bùng nổ việc lưu trữ, xử lý dữ liệu và cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt giành thị phần từ nhà cung cấp nước ngoài.
Theo Technavio, ở Mỹ, tỷ suất sinh lời của trung tâm dữ liệu mỗi năm khoảng 4-12%.
Nhật là 4-5%,
Singapore là 6-7%,
Malaysia là 7-7,5%
Trung Quốc là 8-12%,
Châu Âu là 5-7%.