Bức tranh ngành xi măng 2017: Sống nhờ xuất khẩu

(ĐTCK) Mặc dù đang là mùa xây dựng, nhưng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa trong 10 tháng qua có sự sụt giảm, nhiều doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ khi cung vượt quá cầu.
10 tháng qua, trong khi sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước giảm 3% cùng kỳ, thì xuất khẩu đã tăng tới 20% 10 tháng qua, trong khi sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước giảm 3% cùng kỳ, thì xuất khẩu đã tăng tới 20%

Thị trường nội địa gặp khó

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sản lượng xi măng tiêu thụ trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 62,89 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 79% kế hoạch cả năm.

Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa trong 10 tháng qua ước đạt 47,22 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2016. Riêng trong tháng 10, con số này đạt 4,92 triệu tấn, cũng giảm 3% cùng kỳ. Trong đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam bán được 1,82 triệu tấn trong tháng 10 và 18,08 triệu tấn trong 10 tháng.

Lý giải tình trạng tiêu thụ xi măng trong nước sụt giảm, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, mùa xây dựng bắt đầu đúng thời điểm cả nước có nhiều đợt mưa kéo dài và trên diện rộng, nên nhiều nơi công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, khiến việc tiêu thụ xi măng chậm lại.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, dù chưa hết năm, song có thể khẳng định, 2017 là năm khó khăn của thị trường vật liệu xây dựng nói chung và toàn ngành xi măng nói riêng.

Theo ông Cung, ngoài yếu tố thời tiết, một nguyên nhân quan trọng khác làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ xi măng trong nước đó là chính sách quản lý về khai thác cát thay đổi, khiến nguồn cung cát trên thị trường thiếu hụt lớn, kéo theo sự tăng giá mạnh của nguyên liệu này.

“Cá biệt, có nơi giá cát tăng gấp 3 lần bình thường, khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình bị ngưng chệ vì nhà thầu không mua được cát, hoặc giá cát quá đắt nếu tiếp tục làm sẽ bị thua lỗ”, ông Cung nói.

Cùng với những khó khăn trên, các doanh nghiệp xi măng còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi cung vượt quá cầu. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, năm 2017, cả nước có thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào vận hành, với công suất thiết kế 9,1 triệu tấn xi măng/năm, nâng tổng số dây chuyền xi măng hiện có lên con số 83, với tổng công suất cả năm đạt 98,56 triệu tấn. Như vậy, so với kế hoạch tiêu thụ của năm 2017 là 80 triệu tấn, ngành xi măng vẫn dư khoảng hơn 18 triệu tấn sản phẩm.

“Dư thừa năng lực sản xuất đang là vấn đề đối với phần lớn doanh nghiệp trong ngành”, ông Cung nhấn mạnh khi nói về câu chuyện dư cung của ngành xi măng.

Xuất khẩu trở thành “cứu cánh”

Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa sụt giảm, thì tại thị trường xuất khẩu, sản lượng xi măng đã tăng trở lại. Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, xuất khẩu sản phẩm xi măng tháng 10/2017 ước đạt 1,6 triệu tấn; lũy kế 10 tháng ước đạt 15,67 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, vì tiêu thụ trong nước gặp khó khăn, nên các doanh nghiệp ngành xi măng phải tìm đường xuất khẩu. Đây cũng là lời giải cho hoạt động xuất khẩu xi măng, clanhke của Việt Nam năm nay tốt hơn cùng kỳ năm trước.

“Thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong tháng cuối năm, khi nhiều công trình, dự án xây dựng được đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch tiêu thụ cả năm 2017 vào khoảng 80 triệu tấn, thì vẫn phải trông chờ vào xuất khẩu”, lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng nhìn nhận.

Cũng theo vị lãnh đạo này, năm 2018, ngành xi măng được dự báo lạc quan hơn. Theo đó, kế hoạch tiêu thụ xi măng cho năm tới ước đạt 83-85 triệu tấn, tăng 4-6% so với năm 2017; trong đó, tiêu thụ nội địa 66-67 triệu tấn, xuất khẩu 17-18 triệu tấn.              

Sáng 27/11/2017, tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, nhiều thành viên Chính phủ đã đồng tình với việc sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP, trong đó có quy định không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.

Theo vị này, tại Dự thảo sửa đổi Nghị định, xi măng là 1 trong 2 trường hợp ngoại lệ được áp dụng thuế xuất khẩu 0%. Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, chi phí tài nguyên khoáng sản sẽ không bao gồm chi phí vận chuyển.

Kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực (từ 1/7/2016), hoạt động xuất khẩu xi măng đã chịu ảnh hưởng khá mạnh. Cụ thể, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 14,7 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 561 triệu USD, giảm 7,1% về sản lượng và 16% về giá trị so với năm 2015. Đồng thời, theo thống kê, chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước đã tăng thêm khoảng 4,5 USD/tấn clinker và 7,5 USD/tấn xi măng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục