Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với đề xuất của Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức 6,5 - 6,7%.
“Tôi cho rằng, đây là sự thận trọng cần thiết để không thiên lệch tăng trưởng về số lượng mà hướng tới mục tiêu cao hơn là cải thiện chất lượng tăng trưởng”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) thẳng thắn và cho rằng, việc xác định mức tăng trưởng trong khoảng 6,5 - 6,7% và lấy phương án tăng trưởng GDP là 6,5% làm cơ sở để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 sẽ tạo điều kiện “chủ động và an toàn hơn” trong điều hành cân đối thu, chi ngân sách.
“Trường hợp tăng trưởng cao hơn sẽ tạo dư địa để sử dụng nguồn lực tăng thêm cho đầu tư phát triển, giảm bội chi để góp phần lành mạnh nền tài chính quốc gia”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nói.
Trong khi đó, lạc quan hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, nên “mạnh dạn” đặt mục tiêu 6,7%, chứ không phải là 6,5 - 6,7%.
“Vì sao ư, vì tổng vốn đầu tư xã hội chúng ta vẫn tiếp tục để thực hiện là 33% đến 34%. Đồng thời chỉ số ICOR cũng đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực, cũng như năng suất tổng hợp (TFP) hiệu quả hơn. Theo dự báo của IMF mới nhất vào tháng 10/2017, thì kinh tế thế giới năm 2018 sẽ tăng trưởng cao hơn là năm 2017; các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng từ 4,6% đến 4,8%”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.
Liên quan đến các chỉ tiêu khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục kéo giảm bội chi thay vì đưa ra kế hoạch bội chi 3,7%.
“Tôi nghĩ phải giữ mức bội chi ở mức 3,5%. Trong tổng chi ngân sách hiện nay chúng ta dự kiến năm 2018 lên đến 1 triệu 500 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần tiết kiệm 1% là chúng ta tiết kiệm được 15 nghìn tỷ đồng. Trong chi thường xuyên 940.000 tỷ đồng, tiết kiệm 1% là tiết kiệm được 9.400 tỷ đồng. Chỉ cần tiết kiệm 1% thôi thì bội chi từ 3,7% xuống 3,5%”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Liên quan đến việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2018, khi giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng, đây là một mức tăng trưởng hợp lý.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu này được đưa ra trên cơ sở dự báo tình hình trong nước, quốc tế và có tính đến đà tăng trưởng tích cực của năm 2017 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018, những khó khăn, thách thức khó lường có thể xảy ra; căn cứ định hướng, mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nhằm đảm bảo tăng được tính linh hoạt trong điều hành kinh tế theo điều kiện thực tế của năm 2018.
“Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được quốc tế và các chuyên gia dự báo năm 2018 là tích cực và tiếp tục duy trì được sự phục hồi trong năm 2017. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng bởi những khó khăn, thách thức là khó lường, nhất là những nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị trong khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thêm vào đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, khách du lịch quốc tế, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ tiếp tục đà tăng cao. Một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất, có thể đóng góp tích cực trong tăng trưởng cao như Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Thép Formosa; phân bón dầu khí Cà Mau; cao su Đà Nẵng; các dự án ngành xi măng, alumin... Tức là không chỉ Samsung mà còn rất nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực sẽ đi vào sản xuất trong năm tới.
Đây là những nền tảng quan trọng để kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực trong năm 2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngành khai khoáng sẽ tiếp tục giảm, sản lượng khai thác dầu thô dự kiến giảm khoảng 2 triệu tấn trong năm nay. Theo đó, sẽ ảnh hưởng và giảm 0,5 điểm % trong tăng trưởng GDP.
“Những cải thiện mạnh mẽ về các cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí cho kinh doanh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu trong một thời gian ngắn, tăng trưởng kinh tế năm 2018 phải so sánh trên nền khá cao của năm 2017, nếu đặt mục tiêu quá cao thì các ngành, các lĩnh vực sẽ phải gắng gượng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của những năm sau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.