BRICS không còn vẽ “giấc mơ hoa”

(ĐTCK) Mới chỉ 5 năm trôi qua mà mọi chuyện tưởng như cả thế kỷ với Roger Agnelli, Giám đốc điều hành Vale, một công ty khai mỏ lớn của Brazil. Ông Agnelli từng đặt hàng 35 tàu cỡ lớn để vận chuyển quặng sắt tới Trung Quốc, nhờ nhu cầu tiêu thụ tài nguyên khổng lồ của các ngành công nghiệp nước này.
Sự sụt giảm thương mại tại 11 nền kinh tế đang phát triển, theo số liệu xuất-nhập khẩu so với 6 tháng trước Sự sụt giảm thương mại tại 11 nền kinh tế đang phát triển, theo số liệu xuất-nhập khẩu so với 6 tháng trước

Tuy nhiên, vận may của công ty Vale không kéo dài bao lâu khi nhu cầu tiêu thụ quặng sắt của Trung Quốc sụt giảm mạnh. Trong quý đầu tiên của năm nay, Vale thông báo tình hình tài chính của Công ty đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong 6 năm qua.

Câu chuyện của Vale chỉ là một chi tiết nhỏ trong vấn đề còn đáng lo ngại hơn nhiều: Các nền kinh tế đang phát triển đang ghi nhận nhịp độ tăng trưởng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Nhu cầu tiêu thụ quặng sắt và các tài nguyên của Trung Quốc suy giảm, kinh tế Brazil đang rơi vào suy thoái, Nga thì chìm đắm trong khủng hoảng và một số thị trường đang phát triển khác cũng chứng kiến tăng trưởng tụt dốc, dòng vốn đầu tư chảy ra bên ngoài.

Thế giới trong hơn một thập kỷ qua đã từng chứng kiến nhóm các nền kinh tế đang phát triển giữ vai trò năng động. Hiện nay, BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã không còn được coi là những động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Adam Slater, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho rằng, sự suy giảm tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế đang phát triển có thể tạo ra những rủi ro suy thoái mới đối với kinh tế toàn cầu. BRICS hiện chiếm khoảng 1/5 GDP toàn cầu, 2 nền kinh tế trong nhóm này đã rơi vào suy thoái (Nga và Brazil), còn một thì đang tăng trưởng chậm lại đáng kể (Trung Quốc).

Trao đổi thương mại là cơ chế mà thông qua đó, nhu cầu tiêu thụ đươc chuyển tới các nền kinh tế khác trong đó có châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, theo phân tích của Oxford Economics, sự sụt giảm nhập khẩu trong quý I năm nay đã biến các thị trường đang phát triển từ những nhà đóng góp cho kinh tế thế giới trở thành lực cản thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Theo Oxford Economics, quy mô biến động thương mại được tính toán là rất lớn. Tính chung, sự sụt giảm thương mại của 17 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất đã khiến giá trị trao đổi thương mại toàn cầu sụt giảm 0,7 điểm phần trăm trong quý I, giảm mạnh so với mức tăng trưởng trung bình 2,5 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2000 - 2014, khi thị phần của nhóm này chiếm tới 43,3% tổng thương mại toàn cầu.

Đáng lo ngại là có nhiều dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm này đang tiếp diễn trong quý II, khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,5% trong tháng 5 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp; đồng thời nhập khẩu cũng giảm 17,6%.

Đánh giá về sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển, người đứng đầu nhóm chiến lược các thị trường đang nổi, Bhanu Baweja nhận định, các thị trường này chỉ ghi nhận mức tăng GDP trung bình 3,5% trong quý I năm nay, con số thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trên phương diện chứng khoán, theo số liệu của Bloomberg và Thời báo Tài chính, trong vòng một tháng qua, chỉ số MSCI Emerging Markets, thước đo diễn biến chỉ số chứng khoán tại các nền kinh tế đang phát triển, đã giảm tới 56,33 điểm (5,69%) trong vòng một tháng qua, và giữ ở mức 979,69 điểm (tính tới ngày 11/6).

Cùng lúc, dòng vốn quốc tế có dấu hiệu chuyển hướng tới các “thiên đường” an toàn hơn. “Cơn lũ” tiền mặt đổ vào các thị trường đang nổi trong giai đoạn lãi suất thấp đang dần đổi chiều. Theo NN Investment Partners, trong ba quý liên tiếp tính tới cuối tháng 3 năm nay, các thị trường đang nổi ghi nhận dòng vốn ròng chảy ra bên ngoài lớn hơn so với giai đoạn khủng hoảng năm 2008. Nếu các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục thể hiện diện mạo thương mại suy yếu như vậy trong năm nay, tác động dây chuyền tới thế giới có thể nghiêm trọng hơn.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10/6 cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt với chặng đường đầy cam go trước mắt khi Mỹ đang hướng tới việc thắt chặt tiền tệ và đồng USD mạnh lên. Trong báo cáo của mình, WB nhấn mạnh: “Các quốc gia đang phát triển từng là động lực tăng trưởng toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính thì nay họ đang phải đối mặt với môi trường kinh tế khó khăn hơn”.

WB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu từ mức 3% đưa ra hồi tháng Một xuống còn 2,8% trong năm nay.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục