Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ chế cho TP.HCM vượt trội, đột phá nhưng phải khả thi

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu giải trình trong phiên thảo luận tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sự đồng tình với yêu cầu cao đối với các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM của các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình trong phiên làm việc tại Hội trường chiều ngày 8/6 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình trong phiên làm việc tại Hội trường chiều ngày 8/6

Phát biểu giải trình trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khi đặt yêu cầu cao với các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

“Nhiều đại biểu đặt vấn đề cơ chế chính sách nào, có đủ mạnh không, có đi vào thực tế không, có hiệu quả không, nếu không sẽ giảm tính hiệu quả của Nghị quyết của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo đã cùng với TP.HCM tổ chức tham vấn, hội thảo, để lắng nghe các ý kiến, đồng thời bàn bạc và lựa chọn kỹ lưỡng các chính sách để đưa vào dự thảo Nghị quyết”, Bộ trưởng giải trình.

Quan điểm của các cơ chế, chính sách đang được đề xuất trong Dự thảo, theo Bộ trưởng, trước hết không được trái với Hiến pháp và phải bám sát với các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và các chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội. Các cơ chế, chính sách mới phải được nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, thuyết minh rõ ràng, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tạo được xung lực phát triển mới cho Thành phố. Cùng với đó là các cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khâu tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng báo cáo, các nội dung dự thảo Nghị quyết sẽ nhằm đạt được một số yêu cầu. Đó là huy động, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng thế mạnh của TP.HCM; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Thành phố; Cho phép Thành phố thực hiện một số chính sách với các quy trình, thủ tục rút gọn.

4 nhóm cơ chế được thiết kế là Nhóm kế thừa các quy định của Nghị quyết 54 trong dự thảo nghị quyết còn phù hợp và có tính khả thi; Nhóm cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Nhóm các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến đối với các vấn đề đã rõ, đã chín nhằm phát huy hiệu quả sớm của các dự thảo Luật; và Nhóm các cơ chế, chính sách mới.

“Chúng tôi cho rằng, quan trọng nhất là nhóm cơ chế, chính sách mới, gồm 27 chính sách. Đây là các chính sách được chọn từ 53 chính sách, đã thống nhất với TP.HCM và các bộ ngành liên quan”, Bộ trưởng làm rõ.

Theo Bộ trưởng, các nhóm chính sách đã được Chính phủ rà soát đề xuất theo các quan điểm, nguyên tắc nêu trên, trong đó tập trung đề xuất các chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, phát huy tiềm năng, lợi thế của Thành phố, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm nhưng có tính đột phá và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Với các ý kiến của đại biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có nhiều gợi ý mới. Như là ý kiến cần một cơ chế mạnh hơn như cho phép Thành phố vay một khoản đủ lớn, 10 - 20 tỷ USD và có cơ chế để Thành phố chủ động đầu tư vào những dự án hạ tầng quan trọng, thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng của Thành phố, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết những vấn đề bức xúc chung của Thành phố, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Thành phố, từ đó có nguồn lực trả nợ.

“Chúng tôi xin được ghi nhận, nếu có kiến nghị mới, mạnh hơn, thiết thực hiện, chúng tôi sẽ nghiên cứu báo cáo Quốc hội sau”, Bộ trưởng cam kết và nhắc tới đề xuất kéo dài thời hạn của Nghị quyết.

Liên quan đến các ý kiến lo ngại về tính khả thi, Bộ trưởng cho biết TP.HCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện ngay khi Nghị quyết thông qua.

“Chính phủ cam kết cùng với TP.HCM để đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, Bộ trưởng nhận trách nhiệm.

Ông tin rằng, với khát vọng và quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM cũng như sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban bộ ngành Trung ương, Nghị quyết sẽ nhanh chóng được triển khai thực hiện đi vào cuộc sống, góp phần TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Trước đó, Bộ trưởng cũng đã nhắc đến vai trò, vị trí và tình hình hiện tại của TP.HCM.

Là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước, khoảng 17% GDP cả nước, là một cực tăng trưởng, một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới, Tuy nhiên, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức lớn về tốc độ tăng trưởng, đóng góp trong GDP cả nước đang chững lại và có xu hướng giảm.

Nhiều vấn đề xã hội phát sinh, nhưng chưa được giải quyết triệt để như ùn tắc giao thông; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của Thành phố có chiều hướng suy giảm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế.

Do đó, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo cơ sở để TP.HCM có khả năng cạnh tranh với các siêu đô thị trong khu vực và thế giới là cần thiết, Bộ trưởng báo cáo với các đại biểu Quốc hội.

Theo lịch trình, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào ngày 24/6.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục