“Bỏ ống heo” mua nhà đất

(ĐTCK) Có những cách rất lạ, đôi khi, để có chỗ an cư lạc nghiệp, hoặc có nơi cất trữ tiết kiệm tiền, đều không giống ai.
ảnh: Shutterstock ảnh: Shutterstock

1. Sáng qua, lúc còn đang bận công việc của tòa soạn, tôi nhận được tin nhắn của người thuê căn hộ. Vì không có nhiều thời gian nên tôi hẹn cậu đến tối sẽ alo lại. Đi làm chưa về tới nhà, đã thấy người thuê nhắn tin, có vẻ khá sốt ruột.

Cậu làm trong ngành hải quân, đi công tác ngoài biển suốt. Vợ chồng trẻ, sống cùng người thân, mỗi tháng trả tiền thuê căn hộ 7 triệu đồng, có lẽ cũng là khoản phải suy tính.

Nhưng cậu nói vẫn trả được tối đa mỗi tháng chừng 15-20 triệu đồng nếu như mua căn hộ vay trả góp qua ngân hàng, và chính vì điều này, mà muốn mua luôn căn hộ đang thuê của gia đình tôi.

Tuy nhiên, căn hộ chưa hoàn thành sổ hồng, nên không thế chấp vay ngân hàng được. Mà gia đình lại đang muốn bán luôn căn hộ cho người khác, nên người thuê hơi sốt ruột. Muốn mua ngay thì chưa đủ tiền, muốn vay ngân hàng ngay thì không làm thủ tục được. Người thuê rất muốn gia đình tôi cho trả góp giống ngân hàng, cho tới khi có sổ hồng.

Tất nhiên giấy tờ thì không cần và không được sang tên người mua. Cũng trả đợt đầu tiên 30% như ngân hàng, sau đó trả lần lần, từ từ mỗi tháng.

Gia đình tôi đang chia làm 2 ý kiến. Ý kiến đầu đồng ý, vì chủ yếu tình thương. Người đứng mũi chịu sào trong gia đình ấy, là cậu thanh niên quê ngoài Bắc, có tính tình chịu thương chịu khó. Em trai cậu cũng ở chung, tính cách y chang. Cả 2 anh em làm được bao nhiêu tiền, đều đưa tiền về cho “thủ quỹ” ở nhà, là vợ của anh trai.

Cô vợ trẻ ấy, tôi cũng đã gặp, thấy cũng hiền lành, ngoan ngoãn. Việc phía sau thế nào, cũng khó phán đoán hết được. Nhưng đánh giá sơ bộ, thì cả gia đình họ đều sống lương thiện, tích cóp tiền bạc để sinh sống và kiếm chỗ ở đàng hoàng. Chính vì sự thật thà của họ, nên các ý kiến đồng ý muốn giúp đỡ họ để họ có nhà ở.

Hơn thế, người thuê quá thích căn hộ, không muốn chuyển đi đâu. Căn nhà tạo sự thiện cảm như thế, con người sống hiền lương như thế, tại sao lại không tạo điều kiện se duyên cho họ!?

Nhưng ý kiến thứ 2 phản đối kịch liệt, cho rằng, việc mua bán kiểu này nhập nhằng, gây thiệt thòi cho phía bên bán. Số tiền bị chia nhỏ ra, rất không nên.

Cơ hội đầu tư nếu tới, thì phải bỏ lỡ vì tiền đã bị “băm nát” rồi. 20 triệu đồng/tháng thì không đầu tư vào đâu được, nếu muốn thì lại mua trả góp căn hộ nào đó. Mà như vậy, thì cứ để căn hộ cũ, bán làm chi.

Chỗ đó ở con đường rất đẹp, sẽ tăng giá theo từng năm. Chỉ cần tăng 10%/ năm thôi, thì cũng vẫn tốt hơn việc bán theo kiểu nửa vời kia. Và trong cuộc sống thì có bao nhiêu chuyện sẽ xảy ra. Có việc gì không xuôi chèo mát mái, người ta khó khăn thế mà mình thỏa thuận cho họ mất luôn tiền cọc, thì sao mà cảm thấy tâm yên ổn.

Còn nếu như trả lại hết, ví dụ vậy, thì lại dở trăng dở đèn. Rất mất thời gian và nhiều thứ bực bội kéo theo. Đôi khi người ta lại không hiểu được thiện ý của người bán, cứ nghĩ rồi người bán đang nắm đằng chuôi rồi, lật kèo được mấy hồi, thì chẳng còn ý nghĩa giúp đỡ nhau trên đời. Việc thiện nguyện, cũng cần đúng lúc, đúng chỗ, nên cần suy tính thấu đáo.

Với 2 ý kiến trái chiều nhau như vậy, nên tôi ở giữa phân xử, thôi hoãn lại việc giúp đỡ bán nhà kiểu lạ lùng cho người thuê này. Khi nào đủ tiền, hoặc căn hộ ra xong giấy chủ quyền, thì mua bán cũng chưa muộn. Cho khỏe cả 2 bên.

2. Mấy ngày nay, nhóm bạn chúng tôi chuyển tiền tất bật, để mua chung miếng đất. Miếng đất ấy nằm bên Cần Giờ, nơi đang có các giao dịch sôi động do có nhiều thông tin tích cực về chuyện làm cầu và các dự án.

Đất quá lớn, một mình ai mua thì khó ôm nổi, nên bạn bè cùng hùn tiền chung. Mua xong rồi, thì tách thửa, cứ bám theo mặt tiền rồi chia nhau theo bản vẽ. Ai mua cũng có tên trên sổ, cùng đi công chứng chung, nên mọi người đều không suy tính nhiều.

Có cậu em trai, mới đi làm được vài năm, điện thoại nói: “Chị ơi em có chút xíu tiền, chị cho em chung vô được không? Để 1 vài năm bán đi, em có chút vốn liếng sinh sống”.

Ờ, thì cho chung. Chút xíu thì chia theo tỷ lệ nhé. Cậu em gật đầu cái rụp. Cũng là cách nương theo làm ăn. Chứ 1 mình 1 hướng loay hoay thì biết tới khi nào có tiền!

Những sự khác biệt trong cuộc sống, nhưng luôn tồn tại. Và vì thế, lý thuyết thì vẫn xám xịt, và cây đời mãi xanh tươi, là vậy!


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục