Nhà chưa khác và người cũng chưa khác

(ĐTCK) Bạn tôi nói, sao mua nhà đất xong chẳng muốn bán món nào. Nghĩ chuyện bán gì cũng thấy tiếc đứt ruột…
ảnh: Shutterstock ảnh: Shutterstock

1. Bạn tôi làm trong một văn phòng luật sư, công việc khá bộn bề khi cũng có chút tiếng tăm cho vài vụ án. Ngoài việc chuyên môn, bạn thường lấy tiền tiết kiệm ra để mua miếng đất nhỏ hoặc trả góp trong khoảng 2-3 năm mua căn hộ.

Cách nay 20 năm, khi chúng tôi còn cực kỳ lơ ngơ thì bạn đã tiết kiệm tiền bằng cách vay người nhà 30% của miếng đất nền, còn lại thì lấy tiền lương trả góp qua ngân hàng hàng tháng. Trả góp chừng 8-9 tháng thì bạn đã bán chênh lệch thời đó cả trăm triệu đồng, bằng cả năm thu nhập của bạn bè trang lứa. Cứ như vậy làm hoài mà dư tiền giờ đang ở căn nhà mặt tiền có giá trị cả vài chục tỷ đồng.

Sau này, khi bạn đã ổn định cuộc sống, việc tiết kiệm như vậy vẫn không thay đổi, chỉ có điều khác trước là đầu tư dài hơi, có khi để cả vài năm mà không bán gì.

Bạn luôn để tâm tới các dự án có thể vay được ngân hàng, rồi tiết kiệm bằng trả góp, coi như bỏ ống heo hàng tháng. Đôi lúc điện thoại hoặc cà phê hỏi thăm nhau, nói miếng đất này, căn hộ kia đã bán chưa, bạn đều cười cười lắc đầu. Câu trả lời thường là, mình cũng không để tâm chỗ đó giờ bán được bao nhiêu.

Có lẽ, khi hai cậu con trai chuẩn bị đi du học, lúc đó bạn sẽ tính bán dần tài sản để nuôi các con. Còn bây giờ, thì điệp khúc vẫn là mua và mua, vay qua ngân hàng và trả dần dần.

Cuộc sống của bạn không áp lực, rất an yên như cách tính đừng để dư dả quá nhiều tiền mặt trong nhà. Vợ chồng có công việc ổn định, các căn hộ và nhà đất khác cho thuê đã dư để sống và trả nợ mua tiếp các tài sản khác, nên cũng không tính toán nặng nề nhiều quá.

Giờ hỏi giỡn bạn có cần mướn người đếm sổ hồng ở nhà hay không, bạn cười không phản đối.

“Mình mua nhà đất đã vài chục năm nay rồi, đúng là tài sản có nhiều, anh em ruột và anh em vợ đứng tên dùm cho cũng nhiều nhưng sao cứ mua rồi là chẳng muốn bán. Cảm giác như miếng đất ấy, căn hộ ấy thân quen lắm, bán đi là tiếc đứt ruột!”.

Vì “cảm giác” này mà vợ chồng bạn mỗi ngày mỗi vượng lên thì phải. Họ luôn cố gắng làm việc và sống thoải mái bằng công sức lao động, cùng cách tính toán hợp lý của mình.

2. Thông thường, con người luôn mang trong mình tính cách sở hữu. Các ông có vợ rồi nhưng vẫn muốn có bồ. Và khi cô bồ đòi chia tay, thì có khi thất tình không khác gì các chàng trai mới lớn. Thậm chí, có người tiêu cực tới mức sát hại luôn cả người tình, để “bảo toàn” sự sở hữu cho riêng mình.

Các căn nhà và miếng đất cũng mang chung “nỗi niềm” như vậy. Khi bạn đang là sinh viên ở trong trường học, bạn chỉ tính làm sao cho ăn đủ no và điểm thi cuối kỳ thiệt là tốt. Nhưng tới lúc ra trường, lấy vợ và có nhà cửa ổn định, người ta vẫn thường mơ có căn hộ rộng rãi tiện nghi phù hợp cho việc đi làm, đi học của cả gia đình. Sau đó thì nghĩ tiếp tới việc có miếng đất vườn xa xa để trồng cây, chăn nuôi gia cầm phục vụ cho cuộc sống có chất lượng.

Và theo thời gian, sự tích lũy tiền bạc đã có, bạn lại tiếp tục mua các tài sản khác khi dư dả. Tôi có người bạn năm nào cũng đều đặn mua một miếng đất hay căn hộ. Gần như năm nào cũng mua, dù là miếng đất xa ở nơi hóc bò tó ít ai nghĩ tới, hoặc căn hộ cũ nhỏ xíu giá trị không quá lớn ngay tại trung tâm Sài Gòn.

Thực sự, số tiền bạn đầu tư không phải quá nhiều, nhưng năm nào cũng đều đặn mua được như vậy, thì phải ngả nón bái phục. Bạn dự tính hiện đang còn trẻ khỏe, còn kiếm được tiền thì cứ mua tích trữ. Vài năm nữa khi con đã lớn cần tiêu xài số tiền nhiều hơn, tuổi cũng đã cao, thì có thể cho thuê bớt hoặc bán dần lấy tiền mặt đi du lịch cho thỏa chí đam mê.

Cuộc đời, cứ bình an được như vậy mãi, thì thật sự là tuyệt hảo. Và bạn bè, cũng mong mọi người làm ăn tấn tới, khỏe mạnh để cứ mỗi năm mua được miếng đất xa ngút ngàn, cũng vui lây lắm rồi!


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục