Ngồi trên khu đất vàng

(ĐTCK) Khu đất vàng, có lẽ trên cả vàng, nhưng vắng chủ. Và những vị khách ngồi thưởng thức cà phê hàng ngày ít người nhận thức được rằng, họ hạnh phúc hơn cả ông bà chủ hiện đang sinh sống tại nước ngoài.
Ngồi trên khu đất vàng

1. Quán cà phê ấy hơi lạ, vì nằm trong căn biệt thự được xây dựng từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Biệt thự nằm ngay trung tâm Sài Gòn, thuộc dạng nhà bảo tồn của thành phố. Ở thời tấc đất tấc vàng, mà lại có căn nhà diện tích tới 1.000 m2, thì quá khủng.

Phía sau căn biệt thự, cực kỳ đơn sơ. Đơn sơ một cách ngạc nhiên, vì ông bà chủ đã để nguyên một miếng đất trồng chuối và các cây rau thơm quen thuộc. Chỉ vậy thôi, nhìn có vẻ hơi dân dã, quê kiểng chút xíu. Thành phố đã quen với sự xa hoa nhà kiếng, đá hoa cương, giờ nhìn vào mấy bụi chuối sau căn biệt thự, thấy lạ.

Ông bà chủ không ở Việt Nam. Ông bà sống ở Nhật Bản từ trước khi Sài Gòn được giải phóng. Căn nhà có một lịch sử khá kỳ lạ khi ông bà chủ nhờ người bạn thân đứng tên mua vào những năm 1980, từ người chủ cũ là người Pháp gốc Việt. Sau khi đứng tên dùm rồi, thì người ta nhất định không trả nữa. Người ta lúc đó quên luôn tình bạn thân gầy dựng trong nhiều năm. Mối lợi lớn quá, khiến họ khó thích nghi.

Vào năm 1997, khi cơn sốt đất đang tăng lên cao, ông bà chủ từ Nhật về chỉ muốn bán, nhưng về pháp lý lại không phải nhà của mình. Cặp bạn thân suýt mang nhau ra tòa. Nhưng rồi cuối cùng, thì cũng thương lượng xong. Người bạn quyết định nhận 300 lượng vàng để sang lại căn nhà cho em trai của bạn.

Tưởng êm ấm mọi thứ, nhưng đến giờ, nghe nói ông em trai cũng đang dở chứng, có vẻ muốn lấy hết tất cả mọi thứ của anh mình. Chuyện nội bộ gia đình dù sao vẫn đỡ hơn với người ngoài. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mỗi khi ông bà chủ từ Nhật về Sài Gòn thăm nhà, thì ông em trai cũng qua lại. Những mái tóc đã bạc trắng như cước, in hằn dấu thời gian rồi, mà sao người hiểu chuyện vẫn thấy… khó hiểu đến vậy.

Để duy trì sinh khí cho căn nhà, ông bà chủ quyết định mở quán cà phê ngay trong khuôn viên biệt thự. Mọi điều hành giao cho một cô bé còn trẻ. Cô có dáng vẻ rất nữ tính, ngày nào cũng mặc váy dài hở lưng, tóc cũng dài tha thướt. Bản thân cô và căn nhà tạo dấu ấn rất riêng, rất “mix - match” vào nhau. Nói chung là cực khó diễn tả.

2. Tôi thường ngồi đây với bạn bè. Nếu bạn bè bận rộn, thì ngồi một mình. Cà phê ở đây rất ngon và có vị riêng biệt. Nhiều lúc tôi tiếp bạn đọc hay viết bài, cũng ngay tại đây, nên trở thành vị khách thân quen với mấy em phục vụ.

Các em nói, dù cách quản lý của quán bán chuyên nghiệp, nhưng vì không bị áp lực về doanh số bán hàng, nên cũng thấy dễ chịu. Ông bà chủ sống bên Nhật, khoảng vài ba tháng mới trở lại thăm, nên gần như căn biệt thự coi như vắng chủ.

Tôi hóng chuyện của người quản gia, ông nói, căn nhà được định giá tới chục ngàn lượng vàng. Túm lại, là nhiều tiền tới mức không nghĩ tới.

Nhà thì ở trung tâm, chủ thì ở xa. Vậy thì ai là người thưởng thức căn nhà này? Xin thưa, là tôi và các thực khách ngồi uống cà phê. Gần như ngày nào tôi cũng ghé, ngồi ngay chiếc bàn ngoài sân vườn, ung dung nhìn cây nhìn nắng. Một tuần có khi đủ cả 7 ngày, không thiếu ngày nào. Mà tôi chỉ phải trả vài chục ngàn. Thực sự là quá rẻ cho việc tận hưởng cuộc sống đầy đủ.

Mỗi khi ngồi, tôi tưởng tượng là ngồi trong căn nhà có sân vườn của mình. Thì ai cấm tôi nghĩ, ai kiểm soát được sự tưởng tượng ấy! Và rồi vui cả ngày. Mình đâu có số tiền khổng lồ để sở hữu căn nhà, nhưng vẫn được thưởng thức mọi thứ tuyệt nhất trong khả năng. Sao lại kiềm hãm niềm vui ấy?

Cũng giống như căn nhà của tôi, chăm chút cho từng góc nhà. Đồ đạc trong nhà được sắm sửa với sự chọn lựa tốt nhất, nhưng cả nhà đều đi từ sáng sớm cho tới tối mịt. Người thưởng thức căn nhà, là cô giúp việc. Tôi chỉ mong cô giúp việc suy nghĩ được điều ấy, thì cuộc sống của cổ hạnh phúc và vui vẻ hơn nhiều lắm.

Tại sao lại không?


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục