Bộ Giao thông khẳng định doanh nghiệp vận tải ô tô sẽ thuận lợi hơn với trần pháp lý mới

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô sẽ trần pháp lý mới cho hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ - lĩnh vực đang đảm nhận hơn 70% sản lượng vận tải hành khách và khoảng 60% sản lượng vận tải hàng hóa.
Hàng chục ngàn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô sẽ hoạt động nên nền tảng pháp lý mới từ 1/4/2020. Hàng chục ngàn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô sẽ hoạt động nên nền tảng pháp lý mới từ 1/4/2020.

Theo Bộ GTVT, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định số 10), chính thức có hiệu lực từ 1/4/2020 là sự thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp;

Tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển;  thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời vẫn duy trì siết chặt những yêu cầu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận.

Mặc dù được đánh giá là đã đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh vận tải nhưng sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ cũng như một số nội dung còn bất cập: Luật Quy hoạch 2017 không cho phép giới hạn quy mô đơn vị kinh doanh vận tải và Lập quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải;

Quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch còn bất cập cũng như việc chậm trễ trong ứng dụng công nghệ trong quản lý dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe vận chuyển hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; hiện tượng “xe dù, bến cóc” ăn theo loại hình vận chuyển hợp đồng theo hình thức tuyến cố định bùng phát phức tạp ở hầu hết các địa phương.

Bên cạnh đó, việc thí điểm ứng dụng phần mềm kết nối để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đối với xe ô tô dưới 9 chỗ tại 5 tỉnh, thành phố qua Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 đã chứng minh hiệu quả kinh tế, xã hội của việc ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh vận tải, được người dân đón nhận, kết quả thí điểm cũng khẳng định sự cần thiết cũng như điều kiện để xây dựng khuôn khổ pháp lý chính thức để quản lý.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được ban hành phù hợp với những quy định mới của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 86 cũng như tiếp thu những bài học từ  Quyết định 24 để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải.

Đặc biệt, Nghị định 10 đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp;

Tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển; 

Thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời vẫn duy trì siết chặt những yêu cầu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải.

Nghị định số 10 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa được sửa đổi, có nhiều nội dung đã cho thấy sự bất cập giữa quy định của Luật này với thực tiễn và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đã được thực hiện với thời gian trên 03 năm và được họp lấy ý kiến rất nhiều lần.

Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức thảo luận công khai, dân chủ đối với các nội dung của dự thảo Nghị định (qua email, trang điện tử của Bộ...) để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, đơn vị tư vấn, VCCI, CIEM... qua đó hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở tiếp thu phù hợp với ý kiến chung nhất của các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; không tạo ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và thực thi pháp luật.

Nghị định số 10 của Chính phủ bao gồm 7 chương 37 điều, tăng 2 chương và tăng 01 điều so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ; Trong đó có một số nội dung quan trọng đáng chú ý với mục tiêu giải quyết được những vấn đề bất cập mà dư luận đang hết sức quan tâm như sau:

Nhóm vấn đề thứ nhất, Nghị định số 10 đã hoàn thiện quy định để phân định rõ giữa khái niệm Đơn vị kinh doanh vận tải (Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi) và Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải)

Như vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải).

Tóm lại, đây là quy định rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định.

Ví dụ: chiếu theo quy định như trên, thì các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ là phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là Đơn vị kinh doanh vận tải.

Còn nếu Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10; Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ GTVT quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định tại điều 35.

Nhóm vấn đề thứ hai, Nghị định số 10 đã bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định”.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của Nghị định 10 thì đến ngày 01 tháng 01 năm 2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải;

Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị GSHT, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và điểm b khoản 2 Điều 16 của Nghị định 10 đã có quy định đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 10, trong đó có quy định như: Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe,…

Nhóm vấn đề thứ ba, Nghị định số 10 đã bổ sung nội dung quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10 thì trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ví dụ: ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…..) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm đồng thời giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô tô.

Để triển khai có hiệu quả Nghị định số 10, hiện Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được quy định rõ tại Nghị định 10 đang khẩn trương xây dựng và ban hành các thông tư, hướng dẫn triển khai thực hiện và sẽ tuyên truyền rộng rãi tới các cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết, thực hiện và giám sát.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục