Biến số nhà đầu tư chứng khoán cần chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam “quay xe” khá đột ngột trong quý IV khiến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giảm mạnh. Đây là biến số nhà đầu tư chứng khoán được khuyến nghị chú ý.
TNG đang nỗ lực đa dạng hóa khách hàng. TNG đang nỗ lực đa dạng hóa khách hàng.

Thực tế bất ngờ

Quý IV thường là mùa cao điểm xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu dệt may, thủy sản và các mặt hàng tiêu dùng, để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Giáng sinh, Tết, nhưng năm nay, tình cảnh chung của các doanh nghiệp là hao hụt đơn hàng đáng kể.

“Kém lắm, đơn hàng còn thấp hơn cả quý III”, lãnh đạo doanh nghiệp dệt may than thở.

Lạm phát tăng cao khiến chi tiêu tiêu dùng các mặt hàng dệt may thời trang của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đều giảm trong những tháng gần đây khiến đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đều sụt giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có khách hàng tập trung chủ yếu tại Mỹ và EU chịu tác động rõ rệt nhất. Hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được dự báo có xu hướng giảm nhưng ở mức độ thấp hơn.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, với mảng may truyền thống, thị trường Mỹ với mức hàng tồn kho đang cao và rủi ro suy thoái tiếp tục giảm giá trị đơn hàng ký mới trong năm 2023.

Còn thị trường EU, với nền kinh tế dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn thị trường Mỹ sẽ gặp áp lực cắt giảm đơn hàng mới cho năm sau. Tương tự, với mảng sợi, giá sợi tiếp tục giao dịch quanh mức nền thấp khi nhu cầu may truyền thống suy giảm do hàng tồn kho cao và nhu cầu mua sắm giảm sút khi kinh tế thế giới suy thoái.

Ngành thủy sản vừa đạt thành tích ấn tượng khi hết tháng 11, xuất khẩu đạt 10,17 tỷ USD - con số kỷ lục - nhưng điều mà các doanh nghiệp trong ngành lo ngại hơn vẫn ở phía trước, khi câu chuyện đơn hàng cũng tương tự như ngành dệt may.

Một doanh nghiệp thủy sản cho biết, các đơn hàng xuất khẩu đi EU, Mỹ giảm nhiều so với các năm trước, bên cạnh đó nguyên liệu cũng thiếu hụt. Lượng đơn hàng mới rất ít so với cùng kỳ, triển vọng ngành sắp tới là khó khăn.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sao Ta (FMC) cho biết, với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chế biến, từ cuối quý III đến nay, số lượng đơn hàng suy giảm rõ rệt. Có đơn hàng đã ký kết thì khách hàng yêu cầu hoặc là hủy bỏ hoặc kéo dài thời gian giao hàng hơn.

Theo số liệu của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 10/2022, Mỹ nhập khẩu 69.767 tấn tôm, trị giá 633,99 triệu USD, giảm 18% về khối lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp, nhập khẩu tôm vào Mỹ ghi nhận giảm. Nguyên nhân khiến nhập khẩu tôm vào thị trường này giảm là do tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Đa quốc gia IDI, doanh nghiệp sản xuất cá tra quy mô lớn, cũng cho biết: “Quý IV không tốt. Thị trường Trung Quốc vẫn ách tắc, có thể sau Tết mới cho hàng lưu thông bình thường”.

Ẩn số cho năm 2023

Vấn đề doanh nghiệp lo ngại hơn cả là các đàm phán về kế hoạch đặt hàng trong năm 2023 đến thời điểm này chưa rõ nét.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Nhựa Pha Lê, đơn vị xuất khẩu gạch nhựa SPC sang Mỹ chia sẻ, “đơn hàng giảm mạnh”. Các mặt hàng vật liệu xây dựng như đá thạch anh nhân tạo của Vicostone, gỗ xuất khẩu sang Mỹ cũng ghi nhận sụt giảm đáng kể và chỉ hồi phục khi thị trường nhà ở Mỹ có dấu hiệu ấm lên.

Ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Việc tiêu thụ giảm quá lớn trong quý IV có phần bất ngờ và đáng lo hơn là hệ quả chưa dừng lại. Năm 2022, chúng tôi chỉ mất 10 tháng đã hoàn thành doanh số của cả năm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nay là mùa cao điểm sản xuất và xuất khẩu thì lại rất khó khăn. Dự báo tình trạng này còn kéo dài qua năm 2023 khi ở thời điểm hiện tại, các hợp đồng gối đầu theo thông lệ khách hàng vẫn e dè yêu cầu chờ đợi kết quả tiêu thụ đợt Noel, năm mới”.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2023 và đang đàm phán cho các đơn hàng quý II. Tuy vậy, giá cả là yếu tố có ảnh hưởng lớn, khách hàng có sự ép giá.

Trong bối cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ được nhìn nhận sẽ chịu nhiều tiêu cực. Nguyên nhân là nhà nhập khẩu thường dồn đơn cho nhà máy lớn để giữ năng lực sản xuất, phòng khi thị trường đảo chiều đột ngột sẽ có các đơn vị sẵn sàng khả năng cung ứng cho mình. Báo cáo tài chính quý IV của doanh nghiệp sắp được công bố sẽ cho thấy rõ những đơn vị nào chịu gánh nặng hàng tồn kho và áp lực giảm giá trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu, theo thông lệ kinh doanh và hợp tác, với điều kiện khó khăn của thị trường đặc biệt kể từ thời Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine đến nay, các nhà nhập khẩu có thể giãn, hoãn đơn hàng.

Bởi vậy, doanh nghiệp nào đầu tư lớn cho kho chứa cũng như nhập nguyên phụ liệu số lượng lớn để tích trữ với dự đoán thị trường sẽ tăng giá dịp cuối năm, có thể chịu thiệt hại nặng nề. Câu chuyện của Gilimex bị Amazon dừng nhập hàng và các doanh nghiệp thép phải dừng lò hiện nay là ví dụ.

Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, cơ hội đầu tư trong năm 2023 là có, nhưng thời điểm mua có thể là khi các đơn hàng có dấu hiệu quay lại.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ VESAF thuộc VinaCapital

Tại talkshow “Nhận diện biến số 2023” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ VESAF thuộc VinaCapital khuyến nghị, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, cơ hội đầu tư trong năm 2023 là có, nhưng thời điểm mua có thể là khi các đơn hàng có dấu hiệu quay lại.

Về phần doanh nghiệp, ông Lực cho rằng, cần bám sát và thu thập thông tin thị trường, khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ giảm thì phải nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho với giá “mềm hơn” bình thường, có thể lỗ nhẹ, nhưng sẽ vừa giúp giảm tồn kho và không bị “kẹt vốn” lại.

Còn lãnh đạo Công ty cổ phần TNG quán triệt các chi nhánh phải đa dạng hóa khách hàng, không phụ thuộc vào một khách hàng lớn. Chẳng hạn, bên cạnh Decathlon, Nhà máy Sông Công của TNG có thêm 2 khách hàng lớn khác là H&M và TCP.

“Các nhà máy rất thích làm cho một khách hàng vì giảm bớt công đàm phán, thủ tục xuất nhập…, nhưng quản trị rủi ro buộc doanh nghiệp phải có tệp khách hàng phong phú”, lãnh đạo Công ty cho biết.

Bên cạnh nhóm khách hàng đa dạng, việc áp dụng công nghệ vào các khâu trong sản xuất được doanh nghiệp chú trọng. Công ty này hiện đã đầu tư phòng robot, cánh tay robot, giảm thiểu nhiều công đoạn như cắt, ghép… ở những sản phẩm khách hàng yêu cầu độ chính xác cao.

Lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho rằng, chẳng có cách nào khác ngoài việc doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để linh hoạt vượt qua chông gai với chi phí thấp nhất.

Ưu tiên cao nhất là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao; chú trọng nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ; đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.

Năm 2023, con đường đi của các doanh nghiệp dự báo sẽ có nhiều gập ghềnh, nhưng bản lĩnh và năng lực của doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Doanh nghiệp nào trụ vững và vượt qua khó khăn, lấy thêm được thị phần sẽ là những địa chỉ mà nhà đầu tư có thể đưa vào xem xét, chọn lựa giải ngân cho dài hạn.

Nhã An – Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục