Bị thắt margin, chứng khoán Trung Quốc lao dốc

(ĐTCK) Sau khi các công ty chứng khoán siết quy định margin, hoạt động bán tháo đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, kéo chỉ số chứng khoán nước này giảm hơn 6%. Trong khi đó, chứng khoán Âu, Mỹ cũng đảo chiều trở lại trước thông tin trái chiều về cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Thông tin về cuộc đàm phán nợ vẫn trái chiều. Trong khi các quan chức khu vực đồng tiền chung châu Âu cho biết, cuộc đàm phán có tiến bộ chậm và một thỏa thuận vẫn còn ngoài tầm với, thì giới chức Hy Lạp lại cho biết, họ sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ vào Chủ nhật này.

Những thông tin trái chiều về cuộc đàm phán nợ Hy Lạp khiến giới đầu tư phố Wall thận trọng trở lại sau phiên hồ hởi trước đó.

Giới đầu tư cũng thận trọng trước ngày công bố con số chính thức về GDP quý I của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số Dow Jones giảm 36,87 điểm (-0,20%), xuống 18.126,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,69 điểm (-0,13%), xuống 2.120,79 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,62 điểm (-0,17%), xuống 5.097,98 điểm.

Tương tự, cũng xuất phát từ những thông tin trái chiều về cuộc đàm phán nợ Hy Lạp khiến chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,59 điểm (+0,11%), lên 7.040,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 93,56 điểm (-0,79%), xuống 11.677,57 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 44,70 điểm (-0,86%), xuống 5.137,83 điểm.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng điểm lên phiên thứ 10 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất 27 năm, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lao dốc trong phiên thứ Năm khi các công ty môi giới chứng khoán siết quy định giao dịch margin, nhằm hạn chế rủi ro, bởi chứng khoán Trung Quốc đã tăng quá nóng thời gian qua.

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 78,88 điểm (+0,39%), lên 20.551,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 626,9 điểm (-2,23%), xuống 27.454,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 321,45 điểm (-6,50%), xuống 4.620,27 điểm.

Thông tin trái chiều về cuộc đàm phán nợ Hy Lạp, cũng như đồng USD vẫn đang dao động ở mức cao khiến vàng không thể đảo chiều đi lên. Sau khi có gắng vượt qua ngưỡng 1.190 USD/ounce trong phiên Á-Âu, giá vàng đã giảm trở lại trong phiên Mỹ và gần như đi ngang suốt phiên trong sự thận trọng của giới đầu tư.

Kết thúc phiên 28/5, giá vàng giao ngay giảm 0,2 USD (-0,02%), xuống 1.187,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,5 USD/ounce (+0,21%), lên 1.188,1 USD/ounce.

Trong khi đó, bất chấp đồng USD vẫn ở mức cao hơn 1 tháng, nhưng dự báo về kho dự trữ của Mỹ tiếp tục giảm đã giúp giá dầu hồi trở lại trong phiên thứ Năm sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 28/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,48 USD/thùng (+0,83%), lên 57,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,88USD (+1,42%), lên 62,94 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục