Giới đầu tư “nín thở” cho bài phát biểu của Chủ tịch Fed

(ĐTCK) Trong phiên thứ Năm, cả thị trường chứng khoán và vàng đều lình xình với thanh khoản thấp khi giới đầu tư đang hướng tới bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Janet Yellen vào hôm thứ Sáu theo giờ Mỹ.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Theo dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố càng củng cố thêm cho khả năng Fed sẽ lùi thời gian tăng lãi suất của mình.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn dự báo trong tuần trước. Một dự báo khác cho thấy một sự sụt giảm bất ngờ trong doanh số bán nhà trong tháng 4 và điểm yếu cơ hữu của sản xuất trong tháng 5.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Janet Yellen vào ngày thứ Sáu cho những manh mối mới về việc, khi nào Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất.

Với thông tin này, phố Wall đã đảo chiều tăng trở lại, tuy nhiên, về cuối phiên, Dow Jones có bước hụt chân và chỉ còn giữ được mức tăng rất khiêm tốn, trong khi S&P đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.

Dù vậy, thanh khoản của thị trường đứng ở mức thấp hơn trung bình 1 tháng cho thấy, nhà đầu tư rất thận trọng.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Dow Jones tăng 0,34 điểm (+0,00%), đứng ở mức 18.285,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,97 điểm (+0,23%), lên 2.130,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,05 điểm (+0,38%), lên 5.090,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm, nhưng mức hồi phục là khác nhau ở các thị trường khi dữ liệu kinh tế hỗn hợp của khu vực được công bố. Trong khi ngành sản xuất và dịch vụ của Pháp được cải thiện, thì chỉ số PMI của Đức lại sụt giảm trong tháng 5, tuy nhiên mức PMI vẫn đạt trên 52,8, tức vẫn có sự mở rộng.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,21 điểm (+0,09%), lên 7.013,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,12 điểm (+0,14%), lên 11.864,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,40 điểm (+0,26%), lên 5.146,7 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng điểm, dù mức tăng khiêm tốn hơn rất nhiều so với các phiên trong tuần, nhưng từng đó cũng đủ giúp chỉ số Nikkei 225 củng cố mức cao nhất 15 năm của mình. Việc chứng khoán Nhật hãm đà tăng là do giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ được tổ chức vào cuối tuần.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục trái chiều. Trong khi chứng khoán Hồng Kông vẫn giảm điểm sau khi có tháng tăng ấn tượng trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng mạnh của mình.

Kết thúc phiên 21/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 6,31 điểm (+0,03%), lên 20.202,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 61,33 điểm (-0,22%), xuống 27.523,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 83,13 điểm (+1,87%), lên 4.529,42 điểm.

Những điều kiện “bên ngoài” cần thiết cho giá vàng tăng là đồng USD giảm và dầu tăng giá đều có trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn quay đầu giảm cho thấy, vàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm dài hạn của mình.

Với các dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ vừa công bố và nếu bà Janet Yellen đề cập đến việc lùi thời gian tăng lãi suất trong bài phát biểu vào thứ Sáu này, giá vàng được kỳ vọng sẽ được hỗ trợ để tăng trở lại. Tuy nhiên, nếu đồng USD tăng giá, điều này sẽ đe dọa đến đà tăng của vàng.

Kết thúc phiên 21/5, giá vàng giao ngay giảm 3 USD (-0,25%), xuống 1.206,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 4,6 USD/ounce (-0,38%), xuống 1.204,1 USD/ounce.

Lo ngại cuộc chiến tại Iraq làm gián đoạn nguồn cung khiến giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 21/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,74 USD/thùng (+2,87%), lên 60,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,51 USD (+2,27%), lên 66,54 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục